Thực hiện Nghị quyết 82/2019/QH14 của Quốc hội về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

Bài 2: “Lỗ hổng” thực thi

- Thứ Bảy, 17/09/2022, 16:43 - Chia sẻ

Nhìn nhận về hạn chế, bất cập trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Nghị quyết 82 của Quốc hội cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.

"Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế. Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Các công cụ để quản lý quy hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành. Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật" . Rõ ràng những vấn đề trong thực thi còn nhiều tồn tại, chậm tháo gỡ từ công cụ quản lý quy hoạch, thủ tục đầu tư, thủ tục thu hồi đến thái độ, trách nhiệm thực thi của cán bộ ở các cấp. Điều này không chỉ làm cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực này trở nên lỏng lẻo, cứng nhắc mà còn gây lãng phí nguồn lực rất lớn và sự bất bình từ một bộ phận Nhân dân.

“Lỗ hổng” thực thi -0
Theo kết quả giám sát của TP Hà Nội từ năm 2018, Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Lãng phí “khủng khiếp”

Dự án “treo”, tức là đất đã trao đi đúng vào tay chủ đầu tư rồi, nhưng chủ đầu tư để đấy 10 năm, thậm chí 25 năm không làm gì và như vậy là lãng phí một nguồn lực đất đai cực kỳ lớn, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ. 

Thực tế đáng buồn này cũng được chỉ ra khi Đoàn Giám sát của Quốc hội về Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trong quá trình làm việc với các địa phương. Đơn cử như ở Hà Nội, theo thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 400 dự án treo, các dự án đã được giao đất, thuê đất nhưng chậm triển khai. Hơn 700 dự án đã giao đất chậm đưa vào sử dụng. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, các dự án này ở vị trí đắc địa, có nghĩa nguồn lực đã bị lãng phí.

Ông bà ta có câu “tấc đất tấc vàng”, nhiều dự án “treo”, đất bỏ hoang, bỏ không hàng tỷ tấc đất thì chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tấc vàng? Trong khi hàng ngàn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập. (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh)

Lãng phí từ dự án “treo”, quy hoạch “treo” là cực kỳ lớn, đây là nhận định của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội, nhà quản lý. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào nghiên cứu đánh giá cụ thể về sự lãng phí “khủng khiếp” này. Lãng phí tài nguyên đất, lãng phí cơ hội đầu tư phát triển vẫn chưa thể lượng hóa bởi những số cụ thể. 

Theo điểm I, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai quy định: trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Với quy định trên, dự án chậm trễ, thậm chí kéo dài hàng chục năm, hai chục năm... sau gia hạn sẽ phải tính như thế nào? Nếu thu thuế thì không có cơ sở vì dự án vi phạm thời hạn sử dụng đất và buộc phải thu hồi. Nếu thu tiền thì có phải là cho phép hợp lý hóa những dự án chậm trễ hay không?

Từ đó, có một phép tính đơn giản dự tính riêng số tiền mà nhà nước không thể thu được từ các dự án "treo" quá thời gian quy định của Luật Đất đai. Theo số liệu tương đương khi dự án ra hạn lần 2 và khi dự án quá hạn nếu xử lý bằng biện pháp thuế : G= S x  Đ  x  H. Trong đó, G: Giá trị không thể thu tính bằng tiền của dự án "treo". S: Tổng diện tích đất vi phạm trong dự án treo, dự án bỏ hoang. Đ: Tiền sử dụng đất, tiền thuế đất tính theo mục đích sử dụng và khung giá đất do địa phương cấp hàng năm. H là thời gian chậm trễ sau khi gia hạn (tính theo năm).

Với cách tính toán này, nhìn vào thực trạng dự án “treo” trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố cho thấy, các dự án có thời gian treo càng lớn thì nguồn lực đất đai, nguồn lực kinh tế đang bị lãng phí, thiệt hại là con số không hề nhỏ. 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án “treo”, dự án chậm đưa vào thực hiện, trong đó, có nguyên nhân chủ quan là “lỗ hổng” trong thực thi pháp luật từ phía cơ quan quản lý và cả nhà đầu tư “cơ hội” lách luật, bắt chấp quy định của pháp luật.

Trước hết, trách nhiệm thuộc về chính quyền các cấp, về cơ quan thẩm định, cấp phép còn chủ quan, nóng vội chưa thẩm định kỹ lưỡng năng lực của chủ đầu tư nên lựa chọn nhà đầu tư yếu kém, không đủ năng lực. Đây là lỗ hổng trong thực thi pháp luật đầu tư, mà trực tiếp là cơ quan tham mưu cấp phép đầu tư dự án có sử dụng đất. Không ít nhà đầu tư không có năng lực nhưng được thổi phồng, “đánh bóng” khi tham gia dự án. Điều này dẫn đến để lọt nhà đầu tư cố tình “chạy chọt” lấy dự án xong, chờ thời cơ để chuyển nhượng kiếm lời hay nhà đầu tư "cơ hội" không đù năng lực tài chinh, tổ chức, kinh nghiẹm … Chính việc lựa chọn “nhầm” chủ đầu tư đã đẩy các dự án vào thế “treo” lâu ngày khó giải quyết. 

Dự án “treo” thì phải kiên quyết thu hồi, nhưng việc thu hồi các dự án này “khó chồng khó” bởi muôn vàn lý do khác nhau. Có tình trạng đùn đẩy, tắc trách, ngại va chạm hay có lợi ích trong dự án khiến cho việc thu hồi trở thành thách thức, “giằng co” giữa doanh nghiệp vi phạm với chính quyền. Mặt khác pháp luật không xác định rõ trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai trong sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan khi thu hồi. Ai là “tổng chỉ huy” và quyền năng, trách nhiệm tổng chỉ huy đến đâu? Mặt khác không có chế tài xử lý nhà đầu tư “dây dưa” lách luật cũng khiến cho việc thu hồi gặp không ít khó khăn. 

Nhà đầu tư chậm trễ thì luôn quanh co nhưng ở một số nơi chính quyền cơ sở cũng không làm hết trách nhiệm. Đây cũng là một nguyên nhân chủ quan cản trở quá trình thu hồi dự án “treo”. Có nơi ngay cả UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án. Trong khi đó, nhiều đối tượng không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ... Đây là những tồn tại chính trong quá trình xử lý, thu hồi dự án chậm trễ kéo dài.

Mặt khác trong quy định về quy trình thu hồi vừa phức tạp, vừa lỏng lẻo. Theo Quy định Điều 66 về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP chi tiết Luật 45/2013/QH13 về Đất đai không quy định rõ thời hạn bao lâu thì hoàn thành các thủ tục thu hồi đất hay trường hợp nào thì sẽ tiến hành cưỡng chế… Khi ấy, thủ tục thu hồi kéo dài bao nhiêu lại phụ thuộc vào người thực thi và sự “phối hợp tích cực” của nhà đầu tư bị thu hồi dự án. Tức là tùy thuộc vào sự cương quyết, dứt khoát của chính quyền và sự “thành tâm” của chủ đầu tư sẽ quyết định dự án… "treo bao lâu thì hạ". Đây cũng chính là câu chuyện FLC Hoàng Long, Thanh Hóa 7 năm trôi qua chỉ làm được một cái cổng chào mới được thu hồi.

Dự án  “treo” bỏ hoang vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư “ngồn ngộn” như vậy nhưng trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý như thế nào chưa được làm rõ. Có ai, cơ quan nào bị xử lý khi để dự án chậm trễ đưa vào sử dụng 5, 10, 15 năm… không? Hay chỉ do nguyên nhân khách quan “bất khả kháng”, còn lỗi chủ quan dường như không đáng kể. Chủ đầu tư “treo” núp ở đâu trong vi phạm này? Đây là vấn đề chưa rõ ràng, là lỗ hổng trong thực thi, trong xử lý vi phạm pháp luật cả từ nhà đầu tư lẫn cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm thu hồi dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đất đai 2013 trở nên phổ biến, kéo dài và phức tạp.

Thanh Hà- Lê Hùng
#