Khẩn trương nạo vét mương thoát nước tắc nghẽn vì rác
Liên quan đến tình trạng người dân bị nước ngập vào nhà mỗi khi mưa lớn tại khu vực ngõ 42 Giang Văn Minh, 36 Giang Văn Minh, 100 Đội Cấn và sống trong cảnh ô nhiễm vì rác thải tại khu vực ngõ 61 Giang Văn Minh, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có buổi đi khảo sát trực tiếp Dự án Cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây cùng phía Ban quản lý dự án.
Theo Ban quản lý dự án, sở dĩ có tình trạng cứ mưa lớn là ngập nhà dân nêu trên là do mương thoát nước tại khu vực đầu ngõ 61 Giang Văn Minh đang bị tắc vì rác thải chất lại ở các miệng cống.
Bên cạnh đó là do dự án cống hóa chưa làm xong, mương thoát nước tạm có nhiều đoạn nhỏ hẹp dẫn đến không đủ để thoát nước khi có mưa lớn.


Rác thải ngập ngụa tại khu vực miệng cống tại đoạn mương thoát nước đầu ngõ 61 Giang Văn Minh gây ra tình trạng ngập nước vào nhà dân tại khu vực ngõ 42, 36 Giang Văn Minh và 100 Đội Cấn.

Nhiều đoạn mương thoát nước có diện tích nhỏ hẹp nên khi mưa lớn nước không kịp thoát gây ra úng ngập vào nhà người dân.
Bởi vậy, mỗi khi mưa lớn, lượng nước từ phía bên ngõ 42 và ngõ 36 Giang Văn Minh không có đường thoát xuống phần “hạ lưu” nên ùn ứ chảy ngược qua các lỗ cống tràn lên mặt đường rồi tràn vào nhà dân. Toàn bộ khu vực cuối ngõ 42 Giang Văn Minh và ngõ 100 Đội Cấn trở thành một “phễu hút nước” do cốt nền của các khu vực này thấp hơn so với cốt nền đường ngõ 36 Giang Văn Minh.
Còn tại khu vực ngõ 61 Giang Văn Minh đi sâu vào trong là những núi rác khổng lồ gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Đây cũng là hậu quả của việc dự án cống hóa dang dở nhiều năm.

Những núi rác khổng lồ tại khu vực dự án dang dở nhưng không được xử lý
Để xử lý tình trạng rác thải ùn ứ gây tắc kênh thoát nước, ngăn chặn tình trạng nước ngập nhà người dân khi mùa mưa bão sắp đến, theo Ban quản lý dự án, cơ quan chịu trách nhiệm là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Hai cơ quan này cần vào cuộc ngay để khơi thông mương thoát nước trong khi chờ dự án được tiếp tục triển khai.
Đội vốn từ 200 tỷ đồng lên hơn 700 tỷ đồng
Về nguồn gốc của dự án, theo báo cáo của Ban quản lý dự án gửi đến Báo Đại biểu Nhân dân, Dự án Cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây là dự án giao thông có mục tiêu cống hóa mương Kẻ Khế để làm đường thông nhằm kết nối liên thông giữa tuyến đường Liễu Giai – Núi Trúc với phố Sơn Tây để giải quyết nhu cầu giao thông đi lại trên địa bàn quận Ba Đình, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Dự án được UBND Thành phố phê duyệt lần 1 tại Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 26.6.2008 với Tổng mức đầu tư là 205,9 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp là 55,9 tỷ đồng; chi phí GPMB là 122 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án là 2009-2010.

Dự án dở dang nhiều năm gây ra cảnh ô nhiễm nghiêm trọng với những con mương nước thải lộ thiên
Đến tháng 11.2012, Dự án được UBND Thành phố phê duyệt lần 2 tại Quyết định số 5101/QĐ-UBND ngày 07.11.2012 với tổng mức đầu tư là 649,9 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp là 82,7 tỷ đồng; chi phí GPMB là 526 tỷ đồng) với lý do điều chỉnh là cập nhật lại chế độ, chính sách và đơn giá xây dựng cũng như kinh phí GPMB tại thời điểm tổ chức đấu thầu và triển khai thi công.
Đến tháng 8.2013, Ban Quản lý dự án đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công và tổ chức khởi công trên một số đoạn đã có mặt bằng nhưng khối lượng có thể triển khai thi công được rất ít. Năm 2014, 2015 dự án không được ghi vốn nên thời gian đó dự án không triển khai thêm được việc gì tại hiện trường. Dự án chưa bố trí được quỹ nhà tái định cư nên không triển khai công tác GPMB tiếp.
Đến tháng 11.2016, dự án được phê duyệt điều chỉnh lần 3 tại Quyết định số 6343/QĐ-UBND ngày 18.11.2016 của UBND Thành phố với Tổng mức đầu tư là 740,4 tỷ đồng (trong đó: chi phí xây lắp là 82,7 tỷ đồng; chi phí GPMB là 616 tỷ đồng) với lý do là điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cập nhật lại chính sách đơn giá bồi thường GPMB theo thời điểm lập phương án.
Do vướng mặt bằng, dự án tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện theo các Quyết định: số 1696/QĐ-UBND ngày 09.4.2019; số 2401/QĐ-UBND ngày 31.5.2021; số 2130/QĐ-UBND ngày 12.4.2023; số 6370/QĐ-UBND ngày 11.12.2024 của UBND Thành phố Hà Nội. Thời gian hạn hoàn thành dự án: 31.12.2026.
Vướng mắc về mặt bằng thi công
Theo Ban quản lý, về công tác giải phóng mặt bằng có tổng số 263 phương án (thuộc phường Kim Mã: 139 phương án; phường Đội Cấn: 124 phương án). Trong đó: đã phê duyệt 228 phương án ( phường Kim Mã: 130 phương án; phường Đội Cấn: 98 phương án); trong đó: Đã chi trả tiền: 159 phương án (phường Kim Mã: 82 phương án; phường Đội Cấn: 70 phương án); đã bàn giao mặt bằng 108 phương án; chưa nhận tiền 69 phương án; chưa bàn giao mặt bằng 120 phương án. Chưa phê duyệt 35 phương án (phường Kim Mã: 9 phương án; phường Đội Cấn: 26 phương án).

Phía Ban quản lý dự án cho biết tiến độ dự án đang phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng
Khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác GPMB: Kiến nghị điều chỉnh chỉ giới của các hộ dân tổ 9C ngách 210/41 phường Đội Cấn từ năm 2016, mặc dù Thành phố đã thống nhất với đề nghị của Sở Quy hoạch & Kiến trúc là giữ nguyên chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt. UBND quận Ba Đình phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc họp và được UBND các phường công khai đến các hộ gia đình, tuy nhiên các hộ dân vẫn tiếp tục kiến nghị và chưa hợp tác trong công tác GPMB; Nguồn gốc đất phức tạp nên các Phường mất nhiều thời gian thu thập, rà soát hồ sơ, xác nhận chủ thể đứng tên phương án bồi thường cũng như xác nhận thời gian sử dụng đất, thời điểm xây dựng công trình.
Nhiều phương án chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng, chưa hoàn tất thủ tục kê khai di sản thừa kế, đang có tranh chấp...; chưa bàn giao mặt bằng; có hộ còn kiến nghị liên quan đến chỉ giới, xin tồn tại do diện tích đất thu hồi nhỏ hơn 2m2 (cắt xén vào công trình nhà 4-5 tầng).
Phía Ban quản lý cho biết, hiện nay đã thu hồi mặt bằng của 108 hộ đồng ý bàn giao, nhà thầu đã thi công hoàn thành các hạng mục trên phạm vi mặt bằng đủ điều kiện thi công.
Năm 2016, khi dự án được bố trí vốn, nhà thầu đã thi công hoàn thành trên đoạn có mặt bằng, hoàn thành cống hộp thoát nước và 1/2 mặt cắt ngang nền đường đoạn từ Km0+530-Km0+720, L=190m(thuộc đoạn từ cầu Giang Văn Minh về phía Liễu Giai); Hoàn thành cống hộp thoát nước và nền mặt đường đến thảm thô, từ Km 0+744 đến Km 0+900, L=150m (thuộc đoạn từ cầu Giang Văn Minh đến Sơn Tây).
Giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt khoảng 25% hợp đồng. Các vị trí mặt bằng còn lại đã thu hồi không liên tục, "xôi đỗ" không đủ điều kiện để thi công hoặc không có đường vào thi công theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, cưỡng chế nếu không chấp hành
Để dự án có thể triển khai, theo Ban quản lý, tiến độ dự án phụ thuộc chính vào tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Để khắc phục các tồn tại kéo dài cũng như giải quyết các vấn đề mà báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh liên quan đến dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan một số nội dung sau:

- UBND Quận Đình tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án (công tác xác định nguồn gốc đất các phương án còn lại, tuyên truyền vận động các các hộ đã phê duyệt phương án nhận tiền, bàn giao mặt bằng, xem xét thực hiện quy trình cưỡng chế các phương án theo quy định) để sớm có mặt bằng thi công hoàn thành công trình.
- UBND Quận Ba Đình tập trung để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với một số hộ dân để đảm bảo mặt bằng thông suốt đủ điều kiện để thi công hạng mục Cống hộp thoát nước chính (Km0+390 Km0+530,11m), L=140m(đoạn qua đình Vạn Phúc), đoạn từ (km0+140 đến Km0+370), L=230m (đoạn qua Trường tiểu học Vạn Phúc) và đoạn 50m cống hộp tiếp giáp cầu Giang Văn Minh (phía về đường Liễu Giai).
- UBND quận Ba Đình chỉ đạo tuyên truyền các hộ dân thực hiện theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; UBND các Phường tuyên truyền vận động các hộ bàn giao mặt bằng, UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp các hộ không chấp hành.