Tham dự buổi công bố, về phía Bộ Y tế có đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế; các đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra; Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Ban Quản lý dự án công trình y tế; Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức...

Tại buổi công bố, Trưởng đoàn thanh tra Ngô Đình Long đã công bố toàn văn Kết luận Thanh tra. và trình bày đầy đủ các nội dung theo đúng quy định về công khai Kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Tiếp đó, đại diện Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra; đại diện Bộ Y tế và một số đơn vị có liên quan cho ý kiến.
Phát biểu kết luận tại buổi công bố Kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường chia sẻ, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mà trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải ban hành Kết luận thanh tra trước ngày 31.3.2025 với chất lượng rất cao. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Thanh tra Chính phủ đã khẩn trương công bố quyết định thanh tra vào ngày 8.1.2025, với thời gian thanh tra trực tiếp chỉ có 40 ngày.
Với thời gian thanh tra ngắn, nhưng thời kỳ thanh tra rất dài ( 10 năm: từ 2014 đến 2024); trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật có rất nhiều thay đổi, nhiều quy định được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, áp dụng chuyển tiếp. Đoàn thanh tra đã phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá gần 3.000 đầu mục tài liệu, đối chiếu với hàng nghìn quy định cũ mới khác nhau. Với đặc thù của công tác thanh tra, thì đây là một thách thức không nhỏ.
Bên cạnh đó, thời gian thanh tra diễn ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ nên mọi thành viên đoàn đều phải gác lại các công việc gia đình, toàn tâm toàn lực thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao. Yêu cầu của cuộc thanh tra là làm việc cả ngày thứ 7, nhưng hầu hết các đồng chí đều làm việc cả ngày chủ nhật, thậm chí làm việc trong cả những ngày Tết.

"Đây là những nỗ lực rất lớn, rất đáng ghi nhận của đồng chí Vụ trưởng Vụ 3 Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra. Và thành quả của những nỗ lực, cố gắng đó chính là kết luận thanh tra với chất lượng cao đã được ban hành chỉ sau 59 ngày làm việc, so về thời gian, cộng toàn bộ thời gian thanh tra trực tiếp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra đến ban hành kết luận thanh tra chính thức của cuộc thanh tra này còn ngắn hơn thời gian thanh tra trực tiếp của một cuộc thanh tra thông thường", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường chia sẻ thêm: Hình ảnh 2 bệnh viện to lớn, sừng sững được Nhà nước đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng nhưng vẫn để cỏ mọc um tùm vì không sử dụng được trong 10 năm qua, từ lâu đã là hình ảnh gây xót xa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, và đây là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường dẫn bài viết về chống lãng phí của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề lãng phí là cơ sở lý luận và thực tiễn vô cùng đúng đắn. "Chúng tôi đã yêu cầu Đoàn thanh tra phải thực hiện được 5 rõ, đó là: rõ nguyên nhân, rõ sai phạm, rõ trách nhiệm, rõ thiệt hại và rõ lãng phí".
"Phải xác định được nguyên nhân vì sao công trình xây dựng 10 năm, được 95% rồi mà phải dừng thi công, không sử dụng được? Rõ sai phạm là việc không sử dụng được này có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có sai phạm thì cụ thể là ở điều nào, quy định nào? Rõ trách nhiệm là khi đã phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật rồi thì phải làm rõ trách nhiệm của ai? Rõ thiệt hại là những sai phạm đó đã gây ra hậu quả gì? Thiệt hại bao nhiêu tiền, tài sản của Nhà nước?", Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường cũng cho rằng việc làm rõ giá trị lãng phí là một yêu cầu rất mới trong thanh tra dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, nhưng là một yêu cầu cấp thiết của xã hội đặt ra trong tình hình mới, nhằm phá tan những rào cản phát triển kinh tế xã hội, để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kết luận thanh tra đã trả lời cho "5 rõ" nói trên một cách thấu đáo và đầy đủ cơ sở pháp lý, cho thấy những sai phạm trong quá trình triển khai 2 dự án có tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước; có yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức đấu thầu; lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu.
Trong đó, Hợp đồng xây dựng ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Vừa ký hợp đồng xong thì 8 ngày sau đã phải đề nghị điều chỉnh thiết kế cơ sở. Do vậy, nên thi công khi chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có bản vẽ thiết kế thi công và chưa có cả dự toán.
Phó Tổng Nguyễn Văn Cường nhận xét, hiện tượng “lãng phí” tại 2 dự án diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng, có hệ lụy về vật chất như suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả; có hệ lụy phi vật chất như việc lãng phí cơ hội khám chữa bệnh của nhân dân; gây nhức nhối trong dự luận xã hội; làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước.

Đáng chú ý, tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Bộ Công an xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, phân tích cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, so sánh thực tiễn để xác định giá trị lãng phí và kiến nghị việc chống lãng phí phải được đặt ở trọng tâm cao hơn nữa, để tinh thần này được lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa vấn nạn này.
Đặc biệt là phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật thật đầy đủ, đồng bộ từ việc xác định hậu quả, giá trị lãng phí đến cơ chế thanh kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tương xứng, có tính răn đe cao đối với các hành vi gây lãng phí, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “để giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công thì trọng tâm phải là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật”.
Kết luận thanh tra đã tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan, được thẩm định theo quy trình chặt chẽ, được Ban Thường vụ Đảng ủy Thanh tra Chính phủ cho ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý; Kết luận đã phản ánh trung thực, chính xác, khách quan nội dung thanh tra và được ban hành theo đúng quy định của Luật Thanh tra.
Thanh tra Chính phủ đề nghị, quá trình thực hiện Kết luận thanh tra, các đơn vị được thanh tra trực tiếp ngoài các nội dung công việc theo thẩm quyền, cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung tại kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo quy định. Đồng thời, đề nghị Cục 5, Thanh tra Chính phủ đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra chủ động thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
"Sau thanh tra, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ công tác quản lý, điều hành, song song với quá trình tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt thực hiện các biện pháp sớm đưa 2 bệnh viện đi vào hoạt động, đáp ứng lòng mong đợi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường nói.