Tham gia lễ ký kết có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình; PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ; PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục - Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng như mục tiêu học tập suốt đời, không ngừng nâng cao tay nghề của sinh viên, người lao động, lễ ký kết diễn ra vào thời điểm nhu cầu tuyển dụng tăng cao tại tỉnh Bắc Ninh và trên toàn quốc.
Phát biểu tại sự kiện, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ Nguyễn Tiến Đông chia sẻ, trước bối cảnh nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng cao, nhất là lao động có tay nghề được đào tạo, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cập nhật xu hướng phát triển từng lĩnh vực nghề nghiệp, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo của nhà trường liên tục được bổ sung theo hướng tiếp cận nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp tuyển dụng. Hiện nay, nhà trường tập trung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực: cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin… dựa trên 3 “trụ cột”: Kỹ năng nghề nghiệp; khả năng sử dụng ngoại ngữ; tư duy và tác phong làm việc chuyên nghiệp, tích cực.
Trong đó, về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, trên 80% tiết học sử dụng phương pháp giảng dạy tích hợp, kết nối với doanh nghiệp. Từ đó, từng bước hướng tới mô hình SMART COLLEGE, tiệm cận phương pháp học tập hiện đại của nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Việc triển khai ký kết liên thông đào tạo là một hoạt động được nhà trường rất quan tâm và có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao bằng cấp, kỹ năng cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, chương trình liên thông lần này sẽ diễn ra theo hình thức vừa học vừa làm bảo đảm cả kiến thức và thời gian thực hành cho học viên.
Ông Dũng cho rằng, những nhóm nghề mà hai trường đang đào tạo có sự tương đồng rất lớn như kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật cơ điện tử. Sinh viên khi hoàn thành chương trình liên thông sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bằng cấp cần đi đôi với năng lực và thu nhập
Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, PGS. TS Phạm Vũ Quốc Bình chúc mừng hai đơn vị tại lễ ký kết. Sự kiện này không chỉ là sự liên thông về bằng cấp mà còn cung cấp cho học viên tư duy mới, kiến thức mới, cơ hội làm việc mới theo thế mạnh của từng người. Đặc biệt, đây là hai đơn vị tập trung nhiều vào các ngành nghề kỹ thuật, công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam đang quan tâm.
Ông Bình cũng lưu ý về mặt thiết kế chương trình với các khái niệm ngành và nghề để tạo điều kiện tốt nhất và sự thống nhất về bằng cấp cho các học sinh, sinh viên. Đồng thời bày tỏ mong muốn bổ sung các kiến thức giáo dục phổ thông để sinh viên thuộc hệ đào tạo trung cấp cũng có thể tham gia các chương trình liên thông nhằm phát triển bản thân, mở rộng đối tượng đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh, chương trình học tập cần mang tính thực chất, không chỉ trao cho lao động tấm bằng mà kỹ năng của người lao động phải tăng lên, kèm theo những giá trị khác như vị trí việc làm và thu nhập được nâng tầm. Điều này phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế song song với an sinh xã hội mà nhà nước đề ra.