Dấn thân vì Tổ quốc
Có mặt tại buổi lễ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão khẳng định: “Là thế hệ tiếp nối, tôi luôn hiểu và tri ân công lao những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Tôi nhớ từ những năm 1980, đã có nhiều phong trào giáo dục truyền thống cho thế hệ thanh thiếu nhi được phát động và hưởng ứng sôi nổi như: “Công trường thanh niên cộng sản Sông Đà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”; sau này thế hệ trẻ đã viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc qua các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Hành quân theo chân Bác”, “Điểm tựa tiền tiêu”…
![]() Nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Mão dự lễ cắt băng và phát biểu khai mạc trưng bày |
Cùng sống lại ký ức hào hùng của một thời thanh niên sôi nổi lên đường chiến đấu, trưng bày chuyên đề “Lửa thanh xuân” giới thiệu đến người xem ba nội dung chính: “Khúc ca tuổi trẻ”, “Ánh sao nơi tù ngục”, “Niềm tin và Khát vọng”.
Với “Khúc ca tuổi trẻ”, công chúng như tận hưởng trọn vẹn bài ca vệ quốc của thanh niên Việt Nam qua các cuộc kháng chiến. Từ thời kỳ đầu chống Pháp, đến Cách mạng Tháng Tám thành công, sau đó là cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, hình ảnh các anh hùng La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót đã tạc nên Tượng đài Tuổi trẻ Việt Nam hiên ngang giữa đất trời “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
![]() Qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, thanh niên Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng phấn đấu, dấn thân vì sự nghiệp gìn giữ Tổ quốc |
“Ánh sao nơi tù ngục” thể hiện niềm tin sắt son vào lý tưởng cách mạng đã giúp các chiến sĩ vững vàng đối mặt với kẻ địch hung bạo nhất. Gương hy sinh anh dũng của những thanh xuân trong các nhà tù thực dân, đế quốc mãi là nét son rực rỡ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Qua quá trình sưu tầm tư liệu, hiện vật, phạm vi trưng bày đã thể hiện được 12 tấm gương thanh niên tiêu biểu từng bị thực dân Pháp bắt giam. Đó là anh Lý Tự Trọng - Người truyền lửa; anh Nguyễn Văn Trỗi với câu nói nổi tiếng “Hãy nhớ lấy lời tôi!”, anh Nguyễn Hoàng Tôn trọn đời hi sinh cho Tổ quốc, đồng chí Lê Tám dành trọn tâm huyết cho Đoàn. Hai bóng hồng kiên cường, dũng cảm: Nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ - Võ Thị Sáu và chị Trần Thị Lý - biểu tượng của người con gái Việt Nam. Những câu chuyện về các anh, các chị bình dị, kiên trung khiến trái tim người xem hôm nay thổn thức, ngẫm suy…
Mãi mãi một tình yêu
Tại buổi khai mạc trưng bày, đại biểu và khách tham quan có cơ hội gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nghe câu chuyện của những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, học sinh kháng chiến. Đó là chuyện về người anh cả của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội năm 1948 - 1949, anh Phạm Hướng với nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Những tháng ngày bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, bị trói chặt tay, treo ròng rã nhiều ngày, anh vẫn kiên cường không khai báo. Sau phiên tòa kết án, thực dân Pháp đày anh ra Côn Đảo. Vượt ngục bất thành, thân thể người chiến sĩ 28 tuổi xuân đã hòa cùng mênh mông sóng biển, gieo vào trái tim những người cảm phục anh niềm tiếc thương, khâm phục.
![]() Bùi Thị Kỳ, em dâu liệt sĩ Phạm Hướng nghẹn ngào trước những hình ảnh về người thân của mình, đặc biệt là kỷ vật chiếc khăn mùi xoa mà liệt sĩ Phạm Hướng gửi lại gia đình vào ngày thực dân Pháp chuyển từ Nhà tù Hỏa Lò ra Nhà tù Côn Đảo, tháng 5.1950 |
Cảm động hơn là câu chuyện về anh Nguyễn Đình Xô với trái tim rực lửa, bị địch lấy đinh 3 phân đóng lên 10 đầu ngón tay. Cựu tù binh Nguyễn Dương Kế, chứng kiến giây phút anh Nguyễn Đình Xô hy sinh, kể lại: “Cuối cùng, chúng lấy bao bố trùm lên người anh, mặc cho anh dãy dụa la hét, chúng dội nước sôi cho đến khi anh tắt thở”… Ông Kế cho biết, sao có thể hình dung hết nỗi đau tột cùng mà anh Nguyễn Đình Xô phải chịu đựng trước lúc đi xa. “Cái chết của anh nhiều khi khiến tôi tự hỏi: Phải chăng những vất vả đã qua trong cuộc sống vẫn là quá dễ dàng?”.
![]() |
Rồi câu chuyện về tấm gương Sống anh dũng - Chết hiên ngang của anh Đặng Hồng Sơn cũng lôi cuốn và rất đỗi tự hào. 17 tuổi tham gia quân ngũ, 23 tuổi Đặng Hồng Sơn hy sinh vì bị địch tra tấn dã man. Thương nhớ đến anh, nhà nghiên cứu Văn Quan đã viết: “Anh sinh ra giữa lòng đất mẹ/ Hà Nội ơi! Tuổi trẻ vinh quang/ Đây những vần thơ thêm đậm nét chữ vàng/ Sơn đó hiên ngang còn sống mãi…”.
“Có ai quên được cảm giác nhức nhối, khó chịu khi bị dằm đâm hay xây xát tay, chân. Vậy mà chàng thanh niên trẻ bị địch đóng đến 9 cái đinh, dẫu hy sinh vẫn một lòng vững tin vào cách mạng. Một lần nữa khiến chúng ta suy ngẫm, tuổi trẻ của mình liệu đã cống hiến được bao nhiêu?”, ông Văn Quan cho hay.
![]() Đại biểu và khách tham quan xem lại các kỷ vật, hình ảnh của thanh niên Việt Nam thời kỳ kháng chiến |
Từ Vũng Tàu, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Châu Văn Mẫn cũng có mặt tại buổi khai mạc trưng bày. Ông từng là Phân đoàn trưởng phòng 9, Trại 6, Khu B, Nhà tù Côn Đảo và Ủy viên Ban Sinh hoạt trẻ của Trại kiêm nhiệm Trưởng ban Sinh hoạt trẻ của phòng 9. Tháng 3.1973, sau khi được trao trả, ông tiếp tục ở lại Côn Đảo. Vì có quá trình công tác đoàn trong nhà tù, ông được Đảng bộ Công an giao nhiệm vụ phụ trách công tác đoàn tại huyện Côn Đảo. Hơn bốn thập kỷ, cựu tù ngày ấy sau này trở thành Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Mẫn cho biết: “Năm nào tôi cũng trở lại Côn Đảo. Đã gần hết cuộc đời, đã đi đến nhiều nơi nhưng không nơi nào nuôi dưỡng trọn vẹn ký ức, tuổi thanh niên sôi nổi và cả những hoài bão, khát vọng của mình như ở nơi đây. Khi nhớ đến những anh em đã ngã xuống, tôi lại thấy cay cay nơi khóe mắt... Mãi mãi trong tôi một tình yêu Côn Đảo”.