Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng trị giá 6 tỷ euro được tiến hành cho giai đoạn 2024-2027, trong đó các quốc gia Tây Balkan sẽ nhận được 2 tỷ euro dưới dạng tiền mặt không hoàn lại, và 4 tỷ euro dưới dạng các khoản vay ưu đãi của EU.
Sau khi được EP thông qua, Kế hoạch này sẽ cần sự nhất trí của Hội đồng châu Âu trước khi có hiệu lực chính thức và các khoản thanh toán đầu tiên cho người thụ hưởng có thể được giải ngân.
Theo thỏa thuận giữa EP và Hội đồng châu Âu, được ghi trong văn bản nghị quyết thông qua tại EP hôm 24.4, để được hưởng lợi từ sự hỗ trợ tài chính này, các nước trong khu vực phải thực hiện một loạt các yêu cầu và tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Trong số đó có những tiêu chí cơ bản được áp dụng bình đẳng cho tất cả các nước thành viên, liên quan đến pháp quyền, tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, cải cách thể chế và thực hiện các bước cần thiết để bảo đảm rằng quỹ không bị lạm dụng. Bên cạnh những tiêu chí liên quan đến cải cách và nhà nước pháp quyền còn có những tiêu chí mang tính chất chính trị.
Đối với Kosovo và Serbia, một điều kiện tiên quyết khác sẽ là hai quốc này phải tự nguyện và có thiện chí bình thường hóa quan hệ. Việc Kosovo và Serbia có đáp ứng tiêu chí này hay không sẽ do Ủy ban châu Âu đưa ra, cơ quan này - được hỗ trợ bởi Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS), cơ quan cũng đóng vai trò chính trong cuộc đối thoại giữa Kosovo và Serbia.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của EP cũng yêu cầu tất cả các quốc gia Tây Balkan điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh phù hợp với các quyết định của EU, bao gồm cả lập trường trong quan hệ với Nga.
Để nhận được bất kỳ hỗ trợ nào theo Kế hoạch tăng trưởng cho Tây Balkan, mỗi quốc gia thụ hưởng phải nộp cho Ủy ban châu Âu chương trình cải cách trong suốt thời gian của kế hoạch này cũng như bản kế hoạch phù hợp về việc giải ngân tiền đối với các điều kiện thanh toán đã được đáp ứng. Trong trường hợp Ủy ban châu Âu đưa ra đánh giá tiêu cực về việc thực hiện bất kỳ điều kiện nào theo thời gian biểu được chỉ định, việc giải ngân vốn tương ứng với các điều kiện đó sẽ bị đình chỉ.
Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU thông qua Hội đồng sẽ tham gia vào các quyết định cuối cùng về giải ngân. Kế hoạch cũng yêu cầu cao về tính minh bạch trong quá trình sử dụng nguồn quỹ, mua sắm và điều tra nghiêm túc trong các trường hợp vi phạm quy tắc hoặc trong trường hợp gian lận. Các trường hợp sử dụng sai mục đích phải được báo cáo cho Văn phòng Công tố EU và Văn phòng Phòng chống Lừa đảo EU (OLAFD).