Cuộc họp tối ngày 8.4 giữa Hội đồng và Nghị viện châu Âu là cơ hội cuối cùng để các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận về việc thay đổi cách tiếp cận đối với chính sách miễn thuế mà EU đã trao cho hàng hóa nông nghiệp Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra hồi đầu năm 2022 sau khi những người nông dân ở nhiều nước châu Âu xuống đường biểu tình cho rằng nông sản Ukraine đang tràn ngập châu Âu nhờ giá nhập khẩu rẻ khiến các nhà sản xuất EU không thể cạnh tranh nổi.
Áp lực đối với EU
EU đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải duy trì tình đoàn kết với Ukraine trong khi vừa phải xoa dịu những người nông dân châu Âu phản đối giá nông sản thấp, với một phần nguyên nhân họ cho là do hàng hóa nông sản giá rẻ của Ukraine ngập tràn thị trường châu Âu. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang tới gần, sức ép từ nông dân khiến các nhà lãnh đạo EU không thể làm ngơ.
Hồi đầu năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gia hạn miễn thuế đối với nông sản Ukraine cho tới tháng 6.2025 và chỉ áp thuế “khẩn cấp” đối với gia cầm, trứng và đường khi hạn ngạch nhập khẩu vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng nông dân biểu tình, các nhà lập pháp của EU đã mở rộng danh sách áp thuế khẩn cấp trên để bao gồm cả yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong, đồng thời bổ sung 6 tháng cuối năm 2021 vào khoảng thời gian tham chiếu để so sánh. Như vậy, mức giới hạn hàng nhập khẩu được miễn thuế từ Ukraine sẽ xuống thấp hơn, vì năm 2021 là thời điểm hàng xuất khẩu từ Ukraine sang EU vẫn bị áp thuế và hạn ngạch nên lượng xuất khẩu thấp.
Ngày 20.3, các nhà đàm phán của EP và nước Chủ tịch EU là Bỉ đã nhất trí thêm yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong vào danh sách áp thuế khẩn cấp, nhưng vẫn giữ mức giới hạn là lượng nhập khẩu trung bình của hai năm 2022 và 2023. Các nhà đàm phán đảm bảo EC sẽ hành động trong vòng 14 ngày, thay vì 21 ngày như đề xuất ban đầu, nếu lượng hàng nhập khẩu từ Ukraine đạt đến mức giới hạn. EC cũng cam kết sẽ theo dõi hàng lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác nhập khẩu từ Ukraine để hành động nếu chúng gây gián đoạn thị trường EU.
EP đã ban hành một tuyên bố nói rằng nếu có "sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường EU hoặc thị trường của một hoặc nhiều quốc gia EU do hàng nhập khẩu của Ukraine, chẳng hạn như lúa mì, thì thỏa thuận này đảm bảo rằng Ủy ban Châu Âu có thể hành động nhanh chóng và áp đặt bất kỳ biện pháp nào mà họ thấy cần thiết”.
Báo cáo viên của thỏa thuận Sandra Kalniete cho biết thỏa thuận vừa đạt được “củng cố các biện pháp bảo vệ để bảo vệ nông dân EU trong trường hợp thị trường hỗn loạn do hàng nhập khẩu từ Ukraine gây ra”.
Các nhà ngoại giao trước đó dự tính mức trần kim ngạch nhập khẩu sẽ được cắt giảm khoảng 240 triệu euro (260 triệu USD) từ lượng hàng nông sản Ukraine xuất sang EU, so với năm 2023. Việc gia hạn nhập khẩu miễn thuế các sản phẩm nông nghiệp Ukraine sẽ có hiệu lực trước khi giai đoạn miễn thuế hiện tại kết thúc vào ngày 5.6 tới.
Ukraine cho biết họ chỉ cung cấp khoảng 1% số trứng và 2% số gia cầm của EU trong khi bù đắp lượng đường thiếu hụt trên thị trường EU.
Tuy nhiên, Nhóm liên minh nông dân COPA-COGECA và 5 liên đoàn nông nghiệp cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận này chưa đi đủ xa.
Sức ép thời gian đối với EP
Các đại sứ EU đã thông qua thỏa thuận mới vào tối 8.4, ngay sau cuộc đàm phán giữa EP và đại diện các nước thành viên EU về điều khoản bổ sung trong thỏa thuận trên. Tuy nhiên, quả bóng hiện đang nằm trong chân Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, cơ quan dự kiến sẽ xem xét thỏa thuận này trong cuộc họp tối này 9.4.
Nếu các nghị sĩ châu Âu của ủy ban đồng ý với các biện pháp sửa đổi, Nghị viện châu Âu vẫn sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng tại phiên họp toàn thể vào ngày 22-25.4, phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ hiện tại. Hội đồng châu Âu sau đó cũng sẽ phải bật đèn xanh.
Tuy nhiên, nếu các quy định mới về thuế quan với Ukraine không được phê duyệt, EU có thể quay trở lại khuôn khổ thương mại trước chiến tranh với Ukraine, được gọi là Khu vực thương mại tự do toàn diện và sâu sắc (DCFTA), khôi phục hạn ngạch và thuế nhập khẩu.