Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức và chuẩn mực đạo đức của đảng viên hiện nay

Bài 1: Đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức

- Thứ Ba, 05/07/2022, 05:30 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Lời Tòa soạn: Tháng 2.2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Trên nền tảng kiến tạo lý luận và phát triển thực tiễn chủ nghĩa xã hội bản sắc Việt Nam, cuốn sách nhấn mạnh: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài viết của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, xung quanh vấn đề này, với nhan đề: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức và chuẩn mực đạo đức của đảng viên hiện nay”.

Nếu như các kỳ Đại hội trước xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về "chính trị, tư tưởng và tổ chức" thì tại Đại hội XII (2016) vấn đề "đạo đức" được bổ sung cùng với "chính trị, tư tưởng và tổ chức" hợp thành mục tiêu bao trùm toàn bộ công tác xây dựng Đảng: "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức".

Và, tại Đại hội XIII (2021), trong các quyết sách phát triển đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh'' và nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”. Đặc biệt, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.10.2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII là sự tiếp tục tự nhiên và phát triển vấn đề cơ bản, nhu cầu tự nhiên đó.

 Chính trị là đạo đức

Đây là điểm mới mẻ, công việc rất quan trọng. Nó góp phần quyết định hoàn thiện bản chất của Đảng, phát triển công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở tầm mức mới cả về định tính và định lượng, ở quy mô và tính chất, nhằm không ngừng nâng cao sức sống, bảo đảm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trở nên hoàn bị, hài hòa và thiết thực, ngang tầm vị thế và trách nhiệm.

Hiện nay, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh mới, trước những trọng trách mới, Đảng ta tập trung xây dựng Đảng về đạo đức trong tổng thể công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đó cũng chính là xây dựng sức mạnh nội sinh bền vững của cách mạng đủ sức đương đầu với mọi nguy cơ mất còn hiện hữu, những thách thức khôn lường đe dọa vận mệnh đất nước, chế độ XHCN và sức sống của Đảng, nhất là làm thất bại mọi sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch.

Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái gốc tinh thần vững chắc và tăng cường sức mạnh nội sinh của Đảng, bắt đầu từ đạo đức của mỗi đảng viên. Đây không chỉ là yêu cầu phát triển vị thế, vai trò của Đảng mà còn là chuẩn mực nhân văn cao nhất, trước hết cho mọi hoạt động của Đảng và hành động của đội ngũ đảng viên. Đó không chỉ là nhân tố để Đảng gánh vác xứng đáng trọng trách lịch sử “vừa là người lãnh đạo” mà còn là nền móng lương tri và đạo lý của Đảng trong tư cách “vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” vừa là “đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam.

Đạo đức là những chuẩn mực giá trị được hình thành một cách khách quan trong xã hội, có tác dụng chi phối hành vi của con người. Đạo đức của Đảng ta là đạo đức cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, phát triển trên nền móng đạo đức dân tộc Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại.

Đạo đức cách mạng là nền tảng, là vấn đề cốt lõi chi phối toàn bộ hoạt động, mục tiêu, lý tưởng chính trị và phẩm chất hành động của Đảng nói chung, mỗi đảng viên của Đảng nói riêng. Xây dựng Đảng về đạo đức tự nó trở nên hết sức quan trọng, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Vì, làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân. Hơn nữa, Người nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức của Đảng tự nhiên là vấn đề rất cơ bản và quan trọng.  

Mục tiêu chính trị của Đảng ta là gì, nếu không phải là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng chính trị. Vì lý tưởng cao cả đó, biết bao chiến sĩ cộng sản đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó chính là đạo đức chính trị. Mục đích cao nhất của đạo đức chính trị của Đảng gọn gồm 8 chữ là: “Đoàn kết toàn Dân, phụng sự Tổ quốc”. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị đạo đức, mà còn chi phối hành động đạo đức. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, không thể không quan tâm đến xây dựng tư tưởng đạo đức, hành vi đạo đức của mỗi đảng viên; xây dựng Đảng về tổ chức, dù hàng vạn chi bộ hay cơ sở đảng, hàng triệu đảng viên nhưng được tổ chức chặt chẽ, để Đảng trở thành một khối thống nhất như “cha con một bụng”, trăm người như “huynh đệ một nhà”, “muôn cành chung một cội”… Để tạo nên một tổ chức như vậy, không thể chỉ quan tâm các nguyên tắc đạo đức, dù cực kỳ căn bản, mà quyết định nhất là giáo dục và hành động một cách đạo lý, tình thương, lẽ phải,… tức là hành động đạo đức. Đảng ta là Đảng hành động. Đó là đạo đức chính trị.

Rõ ràng, đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức.

Xây dựng đạo đức - cái gốc tạo nên sức mạnh chính trị, tư tưởng, tổ chức bền vững của Đảng      

Yếu tố đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh về đạo đức đã nằm trong tất cả các hoạt động xây dựng Đảng, trong mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Không phải ngẫu nhiên, suốt gần 50 năm, ngay từ “Tư cách của người cách mạng" ở tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và trong “Mười hai điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính” ở tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và, trong Di chúc (năm 1969), Người vẫn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Đạo đức của Đảng biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng chính trị và hành động của Đảng. Đó là tiên phong thực hiện sứ mệnh giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người. Từ mục tiêu, lý tưởng đó, toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên trong mọi suy nghĩ và hành động phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Đạo đức của Đảng còn biểu hiện cụ thể, sinh động và chân thực ở phẩm chất đạo đức, lối sống, cách ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng: đó là sự tiên phong trong hành động; sự gương mẫu trong lời nói và việc làm; sự trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị; gắn bó máu thịt với nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người; có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung... Đạo đức cùng với văn minh là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng. Người nói rõ hơn, chính trị là đạo đức, cốt ở đoàn kết và thanh khiết, từ việc nhỏ tới việc lớn. Như thế, đạo đức phải thấm sâu trong chính trị, tư tưởng và tổ chức, đến lượt nó, chính trị, tư tưởng và tổ chức phải được thực thi một cách đạo đức, phải quyện trong đạo đức một cách tự nhiên nhi nhiên. Đó là đạo đức chính trị.

Rõ ràng, đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức. 

Đạo đức của Đảng nói chung và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, “không phải trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Để giáo dục, xây dựng và rèn luyện đạo đức, từng đảng viên phải: “Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức", “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Để xây dựng Đảng về đạo đức, làm cho Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần “xây đi đôi với chống”, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho đảng viên; cần sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình một cách có hiệu quả; phải dựa vào nhân dân; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát; và mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Quán xuyến toàn bộ công việc đó, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đó là bản chất nhân văn của Đảng.

Qua hơn 84 năm lịch sử của Đảng, việc rèn luyện đạo đức của đảng viên mà luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt qua mỗi thời kỳ. Và, năm 2016, lẽ tự nhiên ấy trở thành quyết sách chiến lược của Đại hội XII, lấy xây dựng đạo đức - "cái gốc" - để tạo nên sức mạnh chính trị, tư tưởng và tổ chức bền vững của Đảng, hợp thành tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.       

Rõ ràng, đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức!

Từ khi ra đời, nhất là hơn 77 năm lãnh đạo, cầm quyền, Đảng ta trở thành người đồng chí, người bạn của gần 100 đảng cộng sản và công nhân, các đảng cầm quyền và liên minh các đảng cầm quyền khắp các châu lục, đầy tin cậy và tôn trọng. Và, dưới ngọn cờ của Đảng, nước ta đặt mối giao hảo chính trị, hợp tác toàn diện ở các tầm mức khác nhau, với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tình bạn thủy chung, đối tác tin cậy… Vị thế chính trị quốc gia, theo đó, được khẳng định và uy tín chính trị dân tộc không ngừng được nâng cao. Nền tảng làm nên và là riềng mối bảo đảm các mối quan hệ chính trị ấy là gì, nếu không phải là tình hữu ái nhân loại, tình đồng chí, tình bầu bạn… Nghĩa là đạo đức chính trị!

Thêm một lần nữa, rõ ràng, đối với Đảng ta, chính trị là đạo đức!