Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức và chuẩn mực đạo đức của đảng viên hiện nay

Bài 3: Để Đảng luôn xứng đáng là trí tuệ, là danh dự và lương tâm của thời đại

- Thứ Năm, 07/07/2022, 06:11 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Qua 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, cảnh báo cấp bách sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, đặc biệt trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả một số cán bộ cao cấp. Những suy thoái về đạo đức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đó rất đáng lo ngại, làm xói mòn, giảm sút, thậm chí đang “đánh cắp”, bôi nhọ lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; đang xâm hại đạo đức xã hội.

Quyết sách chính trị cấp bách và chín muồi

Tuy vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân được đề cập cách đây gần 24 năm tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII (tháng 7.1998); và tinh thần này tiếp tục được thể hiện tại quyết sách của Hội nghị Trung ương 9 Khóa XI (tháng 6.2014), với nội dung "Xây dựng văn hóa trong chính trị. Chú trọng xây dựng trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể", nhưng rõ ràng, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh xây dựng Đảng trên ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Đó chỉ là những điều kiện cần chứ chưa đủ, và sẽ là khiếm khuyết, nếu xem nhẹ vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức. Khi Đảng cầm quyền, nếu đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về tư tưởng với xây dựng Đảng về đạo đức, trên thực tế, sẽ dẫn đến xem nhẹ vấn đề đạo đức của Đảng và trong hệ thống chính trị. Đó là hạn chế lớn phải khắc phục. Một khi đạo đức trong Đảng yếu kém sẽ gây lệch lạc trong lãnh đạo chính trị, làm xáo trộn trong tư tưởng, gây phương hại tới lãnh đạo tổ chức của Đảng; và cũng dẫn đến nguy cơ làm phương hại xây dựng và phát triển đạo đức xã hội… Tất cả điều đó khiến cho Đảng rơi vào nguy cơ khó còn là người lãnh đạo nữa, khó tiêu biểu là trí tuệ, là danh dự và là lương tâm của dân tộc, của thời đại nữa. 

Năm 2016, tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức". Đây là một quyết sách chính trị cấp bách và chín muồi, là đáp lại đòi hỏi tất yếu, khách quan của công tác xây dựng Đảng và là nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài, xuyên thấm hữu cơ trong ba nội dung xây dựng chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ngày 30.10.2016, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII tiếp tục ra Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Và, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII ra Kết luận số21-KL/TW, ngày 25.10.2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" càng cho thấy, xây dựng Đảng về đạo đức cần thiết và cần kíp hơn hết bao giờ.

Vấn đề cơ bản xây dựng Đảng về đạo đức đó nếu không được nhận thức đúng, trúng và hành động một cách kiên quyết và ngang tầm; những “cục nghẽn mạch” về đạo đức đó… nếu không được chỉnh đốn, chữa trị kịp thời sẽ là thách thức sống còn đối với vị thế, vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Tích tụ và phát tác tới mức độ nào đó, Đảng khó có thể “là đạo đức, là văn minh”, càng khó “là lương tâm, là trí tuệ, là danh dự của thời đại chúng ta” và càng khó tiếp tục xứng đáng “là đứa con nòi của giai cấp lao động Việt Nam”.

Lúc ấy, hối thì đã muộn!

Ba nguyên tắc, bốn phương châm chỉ đạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là “gốc của người cách mạng”; “gốc có vững cây mới bền”. Người khẳng định, con người không có đạo đức thì không làm nổi việc gì; làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân. Người dạy, Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” và thực tế phải là Đảng đạo đức, Đảng văn minh. Nghĩa là đạo đức, văn minh phải thấm đẫm trong và chi phối tất cả các mối quan hệ giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng với nhau, giữa cấp trên và cấp dưới trong Đảng, giữa Đảng với Nhân dân, giữa Đảng ta với các đảng trên thế giới và với nhân dân thế giới.

Vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng tự nhiên là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa căn bản, là vấn đề mang tính quy luật của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Vì thế, ở đây có 3 quan điểm cơ bản cũng là 3 vấn đề về nguyên tắc cần thấu triệt. Một là, xây dựng Đảng về đạo đức là một nhân tố hợp thành chỉnh thể toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xuyên thấm trong từng công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hai là, xây dựng Đảng về đạo đức là cái “gốc” của công việc xây dựng Đảng, là nội dung và môi trường của các công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba là, xây dựng Đảng về đạo đức là tiêu chí nhận diện, phân định và hoàn thiện tư cách đảng viên; là “cái gốc” của đảng viên, thước đo về trình độ, năng lực chính trị, tổ chức và hoạt động lãnh đạo và uy tín của tổ chức đảng.

Cùng với đó là 4 phương châm xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức. Đối với mỗi đảng viên, trong hành động, phải trung thực, khiêm tốn, giản dị, trách nhiệm, có lòng chân thành, có đức bao dung, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đó là đạo đức. Phải nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, không được làm gì tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, tới lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, khí tiết, trong sáng, chính trực, không mờ ám, khuất tất. Cho nên, người có đạo đức gương mẫu là người có đức hy sinh, có lòng vị tha, nhân ái, không vị kỷ, vụ lợi, vượt qua những cám dỗ tầm thường… Đạo đức của Đảng và trong Đảng là đạo đức cách mạng, xa lạ với chủ nghĩa cá nhân và phải suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm” ở trong lòng, chú trọng phát triển mọi khả năng sáng tạo của cá nhân, quan tâm tới lợi ích cá nhân nhưng kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. 

Đạo đức làm cho chính trị, nhất là quyền lực chính trị thấm nhuần tinh thần nhân văn, bảo đảm cho chính trị và quyền lực chính trị không bị tha hóa, nhất là khi thực thi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đạo đức làm cho tư tưởng trở nên trong sáng, khách quan, nhất quán, nó xa lạ với sự mờ ám, khuất tất, càng đối lập với sự lộng hành, thao túng của chủ nghĩa phường hội, của lợi ích nhóm và mọi sự ly khai. Chân lý phải gắn liền với đạo lý. Ở đây, đạo đức là một thước đo của chân lý, là bảo vật của niềm tin của Nhân dân, của dân tộc và bạn bè quốc tế đối với Đảng. 

Đạo đức yếu kém, suy đồi dễ dẫn tư tưởng tới chủ nghĩa cơ hội thực dụng, dễ dao động, chao đảo, từ bỏ nguyên tắc, phai nhạt lý tưởng, tự đánh mất, thậm chí phản bội lại niềm tin, đức tin của chính mình đối với lý tưởng, mục tiêu của Đảng, của cách mạng và của dân tộc. Tình trạng mất đoàn kết, chia rẽ, bè phái, cục bộ, vi phạm dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, kèn cựa địa vị, thói hám danh lợi chức quyền sẽ làm suy yếu tổ chức, làm tổn thương các mối quan hệ trong Đảng, làm giảm uy tín, thanh danh của Đảng trong con mắt của Nhân dân và bạn bè quốc tế.

Không bảo đảm đạo đức thì tổ chức đảng không thể trong sạch, vững mạnh, càng không có sức chiến đấu. Chính trị dù có đúng đắn cũng không có sức mạnh để thực hiện. Trong những tình huống phức tạp, không có những giá trị đạo đức ràng buộc, chính trị sẽ mất phương hướng và sai lầm.

Bài học xương máu về sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1991 cảnh báo, khoảng trống ý thức hệ do hỗn loạn về tư tưởng và khoảng trống quyền lực do từ bỏ nguyên tắc và đánh mất khả năng chiến đấu càng cho thấy rõ sự yếu kém và biến dạng về đạo đức trong Đảng. Nó đã dẫn đến hậu quả tự hủy hoại một chính đảng cách mạng; và sự đổ vỡ thể chế và chế độ, sự tan rã của các đảng cộng sản cầm quyền là không tránh khỏi.

Xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là khi Đảng đã cầm quyền chẳng những như máu thịt của Đảng mà còn phải là việc mất còn. Nó quyết định sức sống, năng lực, uy tín lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Không có bảo đảm về đạo đức thì mọi nỗ lực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức không thể thành công. Nó là một trong những nhân tố căn bản quyết định chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hợp thành chỉnh thể công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Từ thực tế và yêu cầu trên, cần nắm chắc 4 phương châm chỉ đạo xây dựng Đảng về đạo đức. Một là, gắn chặt việc giáo dục nhận thức, tri thức về đạo đức hành động với thực thi hành động đạo đức, trước hết xứng đáng làm một người chân chính. Hai là, gắn chặt xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng… gương mẫu thực hành đạo đức; mỗi tổ chức đảng phải là môi trường thực hành và cổ vũ đạo đức trong Đảng và làm rường cột lan tỏa, phát triển đạo đức toàn xã hội của Đảng. Ba là, Đảng dựa vào Nhân dân, trực tiếp là công luận, để xây dựng Đảng về đạo đức, thông qua phê bình, giám sát, kiểm tra một cách công khai, minh bạch, ở mọi nơi, mọi lúc và đối với mọi đảng viên. Bốn là, gắn chặt việc xây dựng Đảng về đạo đức với chống những thứ phi đạo đức, vô đạo đức trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, của các thành viên của hệ thống chính trị và xã hội, bằng giáo dục, kỷ luật, pháp luật và sức mạnh dư luận.