Ưu tiên lĩnh vực công nghệ và giáo dục

- Thứ Hai, 03/10/2022, 19:39 - Chia sẻ

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cần bảo đảm theo thứ tự các dự án có tính chất cấp bách, giải quyết kịp thời, nghiên cứu bổ sung, phát triển một số cơ chế, chính sách đối với khu vực miền núi, tập trung ưu tiên vào hai lĩnh vực quan trọng: Khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp của các chương trình phù hợp với điều kiện, năng lực các xã miền núi…

Chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

Xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với các mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chỉ thị, đề án, kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Vay vốn tín dụng ưu đãi; mua, cấp thẻ BHYT; hỗ trợ làm nhà ở, tiền điện, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý... Nhờ đó, vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An đã có nhiều khởi sắc.

Ưu tiên lĩnh vực công nghệ và giáo dục -0
Gía trị văn hóa truyền thống sẽ phát huy hiệu quả giảm nghèo nếu được gắn với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng

Các cơ chế, chính sách ban hành đã chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiều nơi đã hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến, khai thác và chế biến khoáng sản... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của bà con trong vùng so với mức bình quân chung của tỉnh; quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế - xã hội có tăng trưởng nhưng quy mô còn nhỏ; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia… Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình nông thôn mới ở khu vực miền núi đang là thách thức không nhỏ; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững… Dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện và khả năng thoát nghèo thấp. 

Ưu tiên đầu tư các xã điểm, xã về đích nông thôn mới

Từ yêu cầu thực tiễn của công tác giảm nghèo gắn với trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, nhất là trong những năm đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghệ An là một trong các địa phương đã chủ động tham mưu sớm để HĐND tỉnh xem xét ban hành các nghị quyết quan trọng đối với đồng bào DTTS và miền núi. Công cuộc giảm nghèo ở vùng đặc thù còn nhiều khó khăn của tỉnh cần phải được đặt ra yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn, quyết liệt hơn, do đây là địa bàn chiếm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất so với các vùng… Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chủ quản Chương trình và các đơn vị được phân công phối hợp cần tiếp tục xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng các vấn đề sau:

Một là, triển khai 10 dự án thành phần của chương trình phải đồng thời gắn với việc rà soát, đánh giá thực hiện công tác dân tộc. Tỉnh Nghệ An đã phân công nhiệm vụ cho các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hoá - Thể thao và Du lịch và Ban Dân tộc… Trên cơ sở đó, so sánh kết quả hàng năm, nhất là đối với các chính sách hiệu quả, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp, từ đó tiếp tục xác định những khâu yếu kém, khó khăn, hạn chế… nhằm đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, bất cập nảy sinh.

Hai là, bảo đảm kế hoạch phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 và hàng năm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Ưu tiên lĩnh vực công nghệ và giáo dục -0
Ứng dụng khoa học và công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị cao

Ba là, cùng với bảo đảm theo thứ tự các dự án có tính chất cấp bách, giải quyết kịp thời, cần nghiên cứu bổ sung, phát triển một số cơ chế, chính sách đối với khu vực miền núi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chương trình, theo hướng tập trung ưu tiên vào hai lĩnh vực quan trọng, là: Khoa học - công nghệ (hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi tập trung, tiêu thụ nông sản, dược liệu; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu…); giáo dục – đào tạo (chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng miền núi gắn với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS; chính sách đào tạo nghề, việc làm…).

Bốn là, quan tâm chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp của các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phù hợp điều kiện, năng lực các xã miền núi. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho các xã điểm, xã về đích nông thôn mới năm 2022. Giải quyết tốt chính sách về đất đai (đất ở, đất sản xuất nông, lâm nghiệp, hệ thống cầu dân sinh, đường giao thông; hạ tầng lưới điện, nước sinh hoạt, sản xuất... )

Ưu tiên lĩnh vực công nghệ và giáo dục -0
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An giám sát tại huyện Quỳ Châu

Năm là, chú trọng triển khai sớm Dự án hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học - công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện chương trình.

Sáu là, thiết lập hệ thống tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình của các cơ quan, đơn vị… bảo đảm chương trình thực hiện hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

LÔ THỊ KIM NGÂN - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An
#