Lợi thế lớn
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cuối tháng 7 vừa qua với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá, công nghiệp chế biến - chế tạo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ… Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm nay khi đạt gần 21 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang 113 nước với thị trường chính là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Giá trị xuất khẩu theo tháng cũng tăng trưởng trở lại trong tháng 6 với kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng 2% tại thị trường Mỹ trong khi các thị trường khác vẫn còn yếu.
Hiện nay, doanh số hàng may mặc tại Việt Nam đạt gần 250.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 7,4% so với năm 2022 dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tiêu thụ trong nước vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2024 và là một nguồn động lực quan trọng cho ngành dệt may.
Cùng với sức tiêu thụ trong nước lớn, nhờ vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt là Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là một trong những lợi thế lớn của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Tận dụng FTA, kết nối mở rộng thị trường
Theo Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm, dù đã xuất khẩu tới 113 thị trường, song ngành dệt may đang tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thời gian tới, ngành mong muốn các cơ quan chức năng, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... Ngành cũng kiến nghị Bộ Công Thương và các địa phương thúc đẩy thực hiện “Chiến lược Phát triển dệt may, da giày” của Chính phủ nhằm hình thành tổ hợp, khu công nghiệp dệt may lớn để có thể sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng cho xuất khẩu.
Cũng cùng quan điểm trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam đề xuất, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần phải cập nhật thông tin cảnh báo về các nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng da giày, túi xách tại thị trường sở tại, cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng mới ban hành của EU để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình, yêu cầu về tái chế đang là thách thức của ngành dệt may. Do đó, các doanh nghiệp rất cần hỗ trợ thông tin, kinh nghiệm tại những thị trường về vấn đề này, đồng thời kết nối để mở rộng thị trường, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu.
Về thông tin chính sách của nước sở tại, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, dự báo tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa thu đông đang đến cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11. 2024.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hưng, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp kết nối, giới thiệu để có thêm nhiều doanh nghiệp, ngành hàng tham dự các hội chợ chuyên đề, như hội chợ ngành công nghiệp hỗ trợ Fabtech 2024 tháng 10.2024 tại Orlando; hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago tháng 9.2024… Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may rộng đường xuất khẩu. Trong đó tập trung triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may. Cùng với đó, Bộ sẽ thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.