Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8.2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng về xuất khẩu tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.
Cũng trong thời gian này, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4% (gồm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD; điện thoại và linh kiện hơn 33,9 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 29,9 tỷ USD; dệt may đạt 22,3 tỷ USD; giày dép 13,4 tỷ USD).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng qua, dẫn đầu là nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; tiếp theo là nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%; còn lại là nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 77,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, xuất siêu sang Hoa Kỳ trong 8 tháng qua ước đạt 53 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại thị trường EU, cả nước xuất siêu ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7%. Riêng với Nhật Bản, 8 tháng qua nước ta xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD.