Nửa đầu tháng 1 có 4 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1.2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 1,01% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong kỳ này, nước ta xuất siêu 0,38 tỷ USD hàng hóa.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Có 4 mặt hàng đạt kim ngạch tỷ USD với tổng 8,02 tỷ USD, chiếm 53% tổng trị giá xuất khẩu. Điện thoại và linh kiện có kim ngạch cao nhất với 2,86 tỷ USD; kế đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2,24 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 1,63 tỷ USD và hàng dệt may 1,28 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt may tiếp tục giảm kim ngạch 17,7% so với cùng kỳ năm 2023, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng giảm 4,5%. Hai mặt hàng còn lại đều tăng trưởng dương: điện thoại và linh kiện tăng 6,7% và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22,1%.
Với nhóm nông thủy sản, ngoại trừ hàng thủy sản giảm 1,2% (còn 317,9 triệu USD) và hạt tiêu giảm 1,6% (còn 29,7 triệu), các mặt hàng còn lại đều tăng trưởng tốt. Trong nhóm lâm sản, gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 7,5%, đạt 629 triệu USD; giấy và các phẩm giấy tăng 3,7%, đạt 175 triệu USD… Nhìn chung, trong tổng 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có 17 mặt hàng có trị giá xuất khẩu âm so với cùng kỳ năm trước và có 28 mặt hàng có kim ngạch cao hơn.
Cũng trong nửa đầu tháng 1.2024, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 4,26 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ khác đạt 1,91 tỷ USD, tăng 15,1%.
Trong nhóm nông thủy sản, nhập khẩu hàng rau quả tăng 7,8% về trị giá, lên mức 107 triệu USD; lúa mì tăng 61%, lên mức 86 triệu USD. Riêng đậu tương ghi nhận tăng 226%, đạt mức 60 triệu USD. Ngược lại, nhập khẩu thủy sản giảm 13,9%, đạt 108 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa giảm 3,5%, còn 38 triệu USD; hạt điều giảm 4,3%, ở mức 54 triệu USD; ngô giảm 13%, còn 101 triệu USD. Dầu mỡ động thực vật cũng giảm 24,4% với kim ngạch 36,8 triệu USD.
Cũng trong nửa tháng đầu năm, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 227 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân bón nhập khẩu cũng cao gấp 1,9 lần về lượng với 187.834 tấn (cùng kỳ đạt 97.337 tấn); tăng 40,6% về trị giá, đạt 55 triệu USD.
Tính chung trong 53 mặt hàng nhập khẩu chính, 34 mặt hàng có trị giá cao hơn so với cùng kỳ và 19 mặt hàng có kim ngạch đi lùi.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% có thể đạt
Năm 2024, dự báo thương mại toàn cầu còn nhiều khó khăn, xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu càng thêm khó khi căng thẳng tại biển Đỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến vận tải biển huyết mạch, đã đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Canada tăng mạnh. Đầu tháng 1, nhiều hãng tàu vừa công bố tăng cước vận tải biển đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, châu Âu, Canada, với mức tăng từ 50%, thậm chí tăng gấp đôi so với tháng 12.2023, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia đánh giá mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% của Bộ Công thương vẫn có thể đạt được. Cơ sở của nhận định này đó là thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã tích luỹ được kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị trường mới, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn di chuyển tới Việt Nam góp phần thúc đẩy xuất khẩu chung. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng quy mô xuất khẩu. Một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng như rau quả, gạo... yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Mới đây, VinaCapital cũng dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ phục hồi, từ mức giảm 4% năm 2023 lên mức tăng 7% năm 2024. "Sau một năm 2023 đầy thử thách, các dấu hiệu đều cho thấy năm 2024 sẽ là một năm mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của ngành sản xuất và cải thiện tâm lý người tiêu dùng", VinaCapital nhận định.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực; đồng thời triển khai đàm phán và ký kết các FTA mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại...
Trước tình hình căng thẳng ở biển Đỏ, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động phương án đàm phán với các đối tác để giãn thời gian giao/nhận hàng. Doanh nghiệp cũng cần tính đến việc mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi chậm trễ trong việc giao/nhận hàng hóa.