Kết quả nổi bật nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư
- Sau 3 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), theo bà, đâu là những kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được?
- Qua theo dõi của chúng tôi ở VCCI thì các kết quả tích cực nhất màEVFTA mang lại trong 3 năm đầu thực thi tập trung ở hai khía cạnh nổi bật là xuất khẩu hàng hóa sang EU và thu hút đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam.
Về xuất khẩu, trong bối cảnh chịu các tác động cực kỳ bất lợi từ đại dịch Covid-19, chiến sự ở Ukraine và sự giảm tốc của kinh tế thế giới, nhờ trụ đỡ từ EVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của chúng ta sang EU giai đoạn 8.2020 - 7.2023 vẫn đạt trung bình 45,6 tỷ USD/năm, tăng tới 21,6% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm của giai đoạn 2017 - 2019. Đáng chú ý hơn, các lợi ích của EVFTA đã và đang lan tỏa ở các ngành nhạy cảm như gạo, một số loại nông sản, thủy sản, giày dép…
Về đầu tư, mặc dù Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) chưa đi vào thực thi nhưng dưới ảnh hưởng tích cực từ EVFTA, thu hút đầu tư từ EU đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt trong năm 2022, tổng vốn đầu tư từ EU đạt mức ấn tượng 2,4 tỷ USD, cao hơn 52% so với thành tích thu hút đầu tư từ EU cao nhất trước đó (1,57 tỷ USD năm 2018). Không chỉ thế, quan sát cho thấy luồng đầu tư từ EU đang có sự chuyển hướng tích cực sang các ngành dịch vụ, năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao… mà Việt Nam đang rất cần.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi đạt 26% - không đáng ngại
-Trong báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu về việc thực hiện EVFTA, Chính phủ chỉ ra rằng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA chỉ khoảng gần 26%. Bà nhìn nhận thế nào về con số này?
- Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định này năm 2022 ở mức gần 26% quả thật là còn khiêm tốn so với tỷ lệ trung bình 33,6% của cả 15 FTA mà chúng ta đang có, và chắc chắn là ở rất xa so với kỳ vọng của chúng ta từ Hiệp định này.
Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là một chỉ dấu đáng báo động. Bởi lẽ, trong so sánh với các FTA khác ở giai đoạn đầu, tỷ lệ này thuộc nhóm khá tốt, lại đang tăng qua từng năm. Thứ nữa, trong thời gian vừa rồi, hàng hóa xuất khẩu đi EU ngoài EVFTA còn có thể lựa chọn hưởng ưu đãi theo cơ chế GSP mà EU đơn phương cho Việt Nam hưởng tới hết 2022. Vì thế tỷ lệ hưởng ưu đãi của xuất khẩu Việt Nam sang EU thực chất phải được tính toán chung cả 2 nguồn này.
Mặc dù vậy, với một hiệp định nhiều kỳ vọng như EVFTA, cải thiện nhanh tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn là đòi hỏi then chốt. Do đó, cần nỗ lực xử lý các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, trong đó đáng chú ý là tình trạng một phần lớn các doanh nghiệp chưa biết tới các ưu đãi thuế quan từ EVFTA, không hiểu về các quy tắc xuất xứ, hoặc không thể đáp ứng các quy tắc này để hưởng ưu đãi.
- Trên thực tế, Chính phủ, các bộ, ngành, trực tiếp là Bộ Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tận dụng EVFTA. Bà đánh giá thế nào về sự vào cuộc này của Bộ Công thương cũng như các bên liên quan?
- Trong so sánh với các FTA trước đó, có thể thấy rõ những chuyển biến tích cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA của các cơ quan cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ Công thương, nhất là ở khía cạnh phổ biến tuyên truyền. Không chỉ số lượng các hoạt động phổ biến tuyên truyền tăng lên mà hình thức phổ biến cũng phong phú hơn, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả về nội dung. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là ở cấp địa phương, việc triển khai công tác này vẫn còn khá hình thức và vì vậy ít hiệu quả.
Cần một đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp về EVFTA
- Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ “một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc tham gia các hoạt động tuyên truyền” về FTA, bao gồm EVFTA. Điều này sẽ tác động thế nào tới chính doanh nghiệp, thưa bà?
- VCCI cũng triển khai rất nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền về EVFTA và các FTA và nhận thấy doanh nghiệp của chúng ta ngày càng quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, rất tiếc là cho tới nay, số chưa quan tâm vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn.
Nguyên nhân chính có lẽ nằm ở sự chủ động của doanh nghiệp. Các thông tin về EVFTA hiện khá phong phú chứ không ít ỏi như nhiều FTA trước đây. Và cũng rút kinh nghiệm từ các FTA trước, thông tin về EVFTA cơ bản đã đi vào các vấn đề cụ thể hơn, theo từng khía cạnh, từng lĩnh vực. Do đó, nếu doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thì tình hình sẽ rất khác.
Tất nhiên, sau khi có được các thông tin cơ bản, doanh nghiệp còn cần những thông tin sâu cho các trường hợp cụ thể, riêng biệt và đặc thù của họ mà chỉ các dịch vụ tư vấn sâu, chuyên nghiệp mới đáp ứng được.
- Theo bà, đâu là những giải pháp cốt lõi mà Chính phủ, Quốc hội cần tập trung, để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ EVFTA?
- Từ một số khảo sát doanh nghiệp về các FTA của VCCI, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp đang khó ở ít nhất hai khía cạnh trực tiếp liên quan tới EVFTA. Một là, nếu có vướng mắc về cam kết thì tìm đến đâu để được trả lời chính thức? Hai là, dựa vào ai để có các thông tin về thị trường, về đối tác và để được giúp đỡ nếu gặp vấn đề ở nước ngoài? Do đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có lẽ nên tập trung giải quyết hai khó khăn này của họ trước nhất.
Cụ thể, cần có một đầu mối để doanh nghiệp có thể tìm kiếm các giải thích chính thức, các hướng dẫn chính xác về cách hiểu các cam kết EVFTA cụ thể. Nếu Bộ Công thương được trao thẩm quyền và có kết nối chính thức với các bộ, ngành liên quan thì có thể làm được. Trong khi đó, các thông tin và hướng dẫn về thị trường nếu được đăng tải công khai, phong phú và cập nhật thường xuyên trên website của các Thương vụ và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, và nếu các cơ quan này có bộ phận chuyên trách để hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh khi kinh doanh với đối tác, thì đã cơ bản gỡ được khó khăn của doanh nghiệp.
Tất nhiên, trong lâu dài, chúng ta cần những giải pháp căn cơ hơn nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của các ngành hàng và của cả nền kinh tế để có thể tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA và các FTA. Và câu chuyện này thì cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Xét cho cùng, các FTA chỉ có thể tạo ra đủ cơ hội, còn chúng ta phải đủ giỏi cả về nhận thức và năng lực để biến những cơ hội đó thành lợi nhuận thực tế.
- Xin cảm ơn bà!