Tham dự sự kiện có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh; Đại diện Hội Kỷ lục Việt Nam; cùng đại diện các doanh nghiệp, cộng đồng sở hữu trí tuệ (SHTT), các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo, nghệ sĩ và đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Nghi thức truyền lửa lan tỏa tinh thần sở hữu trí tuệ và thể thao. |
Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” đã đưa ra một góc nhìn cận cảnh hơn trong lĩnh vực thể thao, tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh hoàn toàn mới trong việc áp dụng những luật bảo vệ, sở hữu trí tuệ vào ngành kinh doanh thể thao. Từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn. Khẳng định được đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của các yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan,…
Những vận động viên thể thao có thể tạo ra thu nhập từ các hợp đồng tài trợ với các thương hiệu nổi tiếng, nhờ đó giá trị của các thương hiệu được nâng cao thông qua hình ảnh các vận động viên. Bên cạnh đó bản quyền các giải đấu củng cố cho mối quan hệ giữa thể thao và truyền hình cùng những phương tiện truyền thông khác, đem người hâm mộ tiến đến gần hơn với các hoạt động thể thao.
Đối với các doanh nghiệp, việc thương mại hóa tài sản trí tuệ giúp cho doanh nghiệp thu được nguồn lợi lớn từ việc kinh doanh các thiết bị thể thao mới. Cùng với đó, những thỏa thuận tài trợ, chuyển nhượng cho các đội tuyển, các giải thi đấu thể thao lớn như Thế vận hội Olimpic, các cúp thế giới cũng sẽ góp phần tối đa hóa doanh thu cho các thương hiệu, giúp gia tăng giá trị, hình ảnh cho doanh nghiệp. Có thể khẳng định, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ sự phát triển của thể thao, góp phần hiệu quả vào việc nâng cao thành tích của các vận động viên, mang lại vinh quang cho nước nhà.
Hiện nay, tại Việt Nam có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao như: Doanh nghiệp tư nhân giày Á Châu, Công ty cổ phần động lực, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao DELTA, Công ty cổ phần thể thao ngôi sao Geru, Công ty TNHH MTV Cuộc sống thịnh vượng Việt Nam…. Những sáng chế trong vòng 10 năm trở lại đây vẫn còn khá khiêm tốn, đây cũng là mảnh đất, dư địa lớn cho việc phát triển các sản phẩm tạo ra các công cụ, phương tiện trong hoạt động thể dục thể thao.
Chương trình bao gồm phần mít tinh tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam. Đặc biệt đề cao việc khai thác tài sản trí tuệ trong thể thao nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác nói chung tại Việt Nam và thế giới. Khẳng định được đằng sau những thành công trong thể thao đều có sự góp mặt của yếu tố liên quan đến sở hữu trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền, chương trình phát sóng… thông qua hình ảnh cụ thể, các dụng cụ thể thao được cấp bằng sáng chế nhằm giúp vận động viên đem đến thành công nhất định, đúng với chủ đề của chương trình “Vươn tới Giải Vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”. Bên cạnh đó là các hoạt động biểu diễn của các Kỷ lục gia Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị sáng tạo và văn nghệ chào mừng, thực hiện nghi thức truyền lửa để tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động đổi mới sáng tạo với tinh thần “nhanh hơn, mạnh hơn và cao hơn” trong thể thao… Tất cả đều nhằm truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới và sáng tạo, hướng người tham dự đến những ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống.
“Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. Kể từ đó, “IP Day” đã trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.
Trong bốn năm qua (2015 - 2018), sự kiện Ngày sở hữu trí tuệ thế giới tại Việt Nam (World IP Day In Vietnam ) đã được tổ chức một cách sáng tạo, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thành phần xã hội cũng như tạo được những tác động truyền thông đáng kể về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.