Vở diễn nhằm lưu truyền câu chuyện đến thế hệ mai sau như một minh chứng cho mối thân tình giữa hai quốc gia, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Châu Ấn thuyền là loại thuyền thương mại của Nhật Bản được các chính khách đương thời cấp giấy phép thông hành (Châu Ấn trạng) cho phép tàu thuyền ra ngoại quốc, chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.
Araki Sotaro là một thương nhân Châu Ấn thuyền từ thời đại Azuchi Momoyama đến thời Edo, đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (miền Trung Việt Nam). Nhận được sự tin tưởng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Sotaro được đồng ý gả công nữ Ngọc Hoa làm vợ.
Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki. Công nữ được người dân tại Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio san”, nàng sinh sống suốt quãng đời còn lại tại Nagasaki. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” tổ chức 7 năm một lần tại Lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki.
Mối tình của Sotaro và công nữ Ngọc Hoa vượt qua sự khác biệt quốc gia và giai cấp, đem lại nhiều xúc cảm.
Phát biểu tại họp báo chiều 18.5, đạo diễn, tác giả kịch bản Oyama Daisuke cho rằng, với vở opera này ông mong muốn khán giả có thể cảm nhận được dù thời đại có đổi thay hay dù ở đâu chăng nữa thì con người vẫn sống với trái tim nồng nhiệt, lạc quan nhất.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa cho biết, năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó vở opera Công nữ Anio là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và nhiều Hiệp hội, UBND các tỉnh đồng bảo trợ.
“Lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử có thật giữa hai nước, vở opera Công nữ Anio kể về câu chuyện tình giữa công chúa Việt Nam và thương gia Nhật Bản, biểu tượng cho mối lương duyên giữa 2 quốc gia ngày càng bền chặt. Thông qua sáng tạo về âm nhạc, hội họa, ca từ, tác phẩm sân khấu chung giữa nghệ sĩ 2 nước là sự tôn vinh những giá trị chung của 2 dân tộc”, bà Nguyễn Phương Hòa nói.
Vào vai công nữ Anio, ca sĩ Đào Tố Loan bày tỏ rất vinh dự vì bản thân chưa bao giờ tham gia một vở nhạc kịch có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu, chuyên nghiệp như vậy. “Tôi tập luyện với bạn diễn Nhật Bản từ ngày 16.5, nhưng thật ngạc nhiên và khâm phục khi các nghệ sĩ nước bạn đã hát bằng tiếng Việt. Văn hóa, âm nhạc của hai nước có nhiều nét tương đồng đã tạo thuận lợi để chúng tôi tìm được sự đồng điệu ở nhau”.
Vở opera Công nữ Anio hội tụ ê kíp sản xuất và dàn nghệ sĩ opera nổi bật của 2 quốc gia, gồm: Tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng; tác giả soạn lời (tiếng Việt) Hà Quang Minh; giọng soprano Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang vào vai Công nữ Anio; giọng tenor Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei vào vai Araki Sotaro…
Tác phẩm do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thực hiện.