Sau hơn một thập kỷ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, các nhà chức trách của BoJ cuối cùng cũng đã đưa ra dấu hiệu “đảo ngược”. Một số thông tin cho rằng, BoJ đang xem xét có nên “thoát khỏi” lãi suất âm sớm nhất là vào nửa đầu năm nay hay không. Theo đó, quyết định này sẽ dựa trên các cuộc đàm phán về lao động và xu hướng tiêu dùng cá nhân vào mùa Xuân. Nếu thoát khỏi trần lãi suất âm, đây sẽ là lần đầu tiên sau 17 năm Nhật Bản tăng lãi suất.
Mặt trái của siêu nới lỏng tiền tệ
Hơn một thập kỷ vừa qua, BoJ đã “trung thành” với chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn. Vào thời điểm ông Shinzo Abe tái cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản, ông đã đưa ra một loạt chính sách kích thích tăng trưởng để đối phó với tình trạng giảm phát kéo dài và sự trì trệ của nền kinh tế nước này. Đáng chú ý trong gói kích thích này là chính sách tiền tệ nới lỏng táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, kích thích khu vực tư nhân... Đó chính là chiến lược phát triển kinh tế đầu tư nổi tiếng Abenomics.
Nội dung cốt lõi của chiến lược Abenomics là chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Giai đoạn đầu chính sách này đã phát huy tác dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua lãi suất cực thấp, in tiền mạnh mẽ và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Chính phủ Nhật Bản và BoJ cùng đưa ra tuyên bố rằng “mục tiêu lạm phát 2% sẽ đạt được trong thời gian sớm nhất”, từ đó khởi động chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.
Về khách quan, chiến lược này thực sự đã đóng vai trò tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Việc tuân thủ chiến lược đã giúp lần lượt giải ngân vượt định mức nguồn vốn công - tư, đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát và tăng trưởng âm trong ba quý đầu năm 2013. Tuy nhiên, do các vấn đề cơ cấu sâu xa như tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa, lỗ hổng công nghiệp và nợ Chính phủ khổng lồ, chính sách tiền tệ lỏng lẻo không đủ để thay đổi động lực nội tại của tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, vì vậy thời kỳ kinh tế thịnh vượng kéo dài không lâu.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, việc kéo dài chính sách tiền tệ siêu nới lỏng quá lâu đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hiện kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với ba vấn đề nan giải. Một là Chính phủ quá lệ thuộc vào nợ công, dẫn đến gánh nặng trong vấn đề này. Hai là, chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) luôn được coi là một phương tiện tài chính tương đối cực đoan, hoạt động thiếu linh hoạt như phản ánh không kịp thời những thay đổi của tình hình kinh tế, làm xấu đi hoạt động của thị trường trái phiếu và làm trầm trọng thêm sự mong manh của lĩnh vực tài chính. Ba là, chính sách lãi suất âm được cho là đã “tiếp tay” cho một số lượng lớn các công ty “Zombie" đang hoạt động kém hiệu quả, không mang lại lợi ích cho việc công nghiệp. Điều này dẫn đến sản xuất công nghiệp bị trì trệ và sức sống kinh tế suy yếu đáng kể.
Hơn nữa, xu hướng lạm phát hiện nay đã vượt quá dự đoán của ngân hàng Trung ương. Nền kinh tế nước này đang trải qua thời kỳ lạm phát cao nhất trong 40 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản tháng 10.2023 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu lạm phát 2%.
Thời điểm thích hợp để đảo ngược chính sách?
Vào ngày đầu tiên của năm mới, Nhật Bản đã liên tục phải đón nhận những điều không may mắn. Người dân nước này đã phải hứng chịu một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển bán đảo Noto, và một cuộc va chạm giữa một chiếc máy bay hãng Japan Airlines với một máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang chở đồ tiếp tế cho người tị nạn sau trận động đất.
Những sự việc này đã tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán nước này, do lo ngại về thiệt hại từ động đất. Mặc dù thị trường đã phục hồi phần lớn khoản lỗ vào chiều hôm 4.1, nhưng đồng yên vẫn tiếp tục suy yếu so với cả đồng đô la Mỹ. Vì vậy, các nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào sự sẵn sàng bình thường hóa chính sách của BoJ.
BoJ hiện có ba công cụ chính sách là lãi suất qua đêm, YCC, và nới lỏng định lượng và định tính. Cơ chế YCC đã được điều chỉnh ba lần trong 12 tháng qua và trần lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã được nâng từ 0,25% lên 0,5%, lên 1%, rồi lên trên 1% một chút. Tuy nhiên, chính sách lãi suất đã đứng ở mức âm 10 điểm cơ bản kể từ tháng 1.2016 và bảng cân đối kế toán của BoJ tiếp tục mở rộng khi họ mua thêm trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.
Để tránh cản trở tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu sự ổn định tài chính hoặc làm phức tạp việc quản lý nợ công, thứ tự “thắt chặt” ba công cụ này là rất quan trọng. Bước đầu tiên là tăng dần lãi suất dài hạn, bước tiếp theo mà thị trường đang chờ đợi là tăng lãi suất chính sách. Rốt cuộc, tỷ lệ lạm phát lâu dài của Nhật Bản đã cao hơn mục tiêu 2% trong hơn một năm rưỡi. Thêm vào đó là tình trạng thiếu lao động lan rộng và đồng yên mất giá đáng kể, một phần do việc tăng lãi suất ở khu vực đồng euro, Anh và Mỹ.
Các chuyên gia đánh giá chính sách tiền tệ của Nhật Bản hiện đã đến “ngã ba đường”. Ngày càng nhiều những lời kêu gọi kiến nghị BoJ nên sớm bình thường hóa chính sách tiền tệ. Trong hơn một năm qua, lạm phát của Nhật Bản ngày càng tăng và cao hơn mức mục tiêu của BoJ. Giá cả tăng đã dẫn đến chi phí sinh hoạt cao, cản trở tăng trưởng tiêu dùng. Do đó, các động thái điều hành chính sách tiền tệ của BoJ luôn là tâm điểm chú ý của thị trường.
Cuối năm 2023, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết, cơ quan này sẽ bắt đầu tăng lãi suất khi mức tăng lương đáng kể được xác nhận, do tiền lương ở Nhật Bản được các công đoàn đàm phán vào mỗi mùa xuân, được gọi là Shuntō, nên kỳ vọng hiện nay dường như là BoJ sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp hội đồng chính sách ngày 25 và 26.4 tới.
Và tất nhiên, không có gì chắc chắn cả. Mọi quyết định về việc bình thường hóa chính sách sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, đặc biệt là mức tăng lương và tỷ lệ lạm phát. Hơn nữa, kỳ vọng lạm phát nên được giữ ở mức 2%, và ông Kazuo Ueda nhấn mạnh rằng, mặc dù lạm phát đang ở mức trên 2%, ông vẫn chưa tự tin để khẳng định mục tiêu lạm phát đang được đáp ứng một cách “ổn định và bền vững”.
Một khi BoJ bắt đầu tăng lãi suất, đường cong lợi suất (phản ánh sự khác biệt giữa lợi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn) sẽ dốc lên, và miễn là sự thay đổi diễn ra từ từ sẽ mang lại lợi ích cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nếu lãi suất qua đêm tăng mạnh có thể gây ra tình trạng hỗn loạn.
Khi đưa ra lãi suất âm, BoJ đã thiết lập một hệ thống ba cấp cho các tài khoản vãng lai, với mỗi cấp có lãi suất khác nhau: 0,1%, 0% hoặc -0,1%. Việc tăng lãi suất chính sách lên 0 sẽ dẫn đến hệ thống hai cấp, với lãi suất bằng 0 đối với một số người và lãi suất dương đối với những người khác, hoặc hệ thống một cấp không có lãi suất cho tất cả. Việc tăng lãi suất chính sách lên trên 0 sẽ tạo gánh nặng về dòng tiền cho BoJ.
Khía cạnh khó khăn nhất của việc bình thường hóa chính sách tiền tệ là thắt chặt định lượng. Nếu việc này được thực hiện quá nhanh khiến BoJ không chuyển giao trái phiếu đáo hạn, có thể ảnh hưởng xấu đến việc quản lý nợ của Bộ Tài chính. Hơn nữa, ngân hàng trung ương cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội thay thế trái phiếu có lãi suất thấp bằng trái phiếu có lãi suất cao hơn.
Mặc dù, năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm mang tính bước ngoặt đối với chính sách tiền tệ của Nhật Bản, nhưng việc tăng lãi suất là gánh nặng hết sức khó khăn đối với nền kinh tế nước này. Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách lãi suất của BoJ đều có thể gây ra những cú sốc dữ dội trên thị trường. BoJ sẽ phải đối mặt với bài toán khó khi làm thế nào để sửa đổi chính sách tiền tệ nhưng cũng tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế đang mong manh của Nhật Bản. Đây sẽ là một thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với BoJ.