Pháp luật bảo vệ các dòng sông trên thế giới

Bảo vệ các "động mạch" của trái đất

- Chủ Nhật, 21/05/2023, 06:21 - Chia sẻ

Mỗi quốc gia và khu vực có quy định pháp luật bảo vệ các dòng sông khác nhau, nhưng mục tiêu bao trùm và có tính phổ quát là bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái của chúng khỏi ô nhiễm, suy thoái và bị khai thác không bền vững.

Giá trị đích thực của các dòng sông

Các dòng sông cung cấp nước và phù sa cho đất nông nghiệp, vùng đồng bằng ngập lũ và châu thổ, nuôi dưỡng đa dạng sinh học to lớn, mang lại nước và thức ăn cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Các dòng sông còn là nguồn gốc của đức tin, truyền thống tâm linh, nghi lễ, bài hát và câu chuyện dân gian. Thực sự, chúng ẩn chứa lịch sử của nền văn minh nhân loại trong những vùng nước gợn sóng của mình.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Các nền văn hóa bản địa từng trân trọng những dòng sông như sinh vật sống từ thời xa xưa. Rất lâu trước khi Mỹ thông qua Đạo luật Kiểm soát ô nhiễm nước, hay Đạo luật Nước sạch (1948) hoặc Đạo luật Về các dòng sông hoang dã và là danh lam thắng cảnh (1968), các nền văn hóa bản địa đã tôn vinh và bảo vệ các dòng sông của họ.

Ở Nam Á, các nền văn hóa đã xây dựng những ngôi đền gần đầu nguồn của những con sông lớn trong khu vực, sau đó chảy qua những khu rừng được bảo vệ. Các địa điểm đa dạng sinh học như hợp lưu, vực sâu và rừng ngập mặn được tôn kính, bảo vệ và tôn vinh.

Tại Colombia, đầu nguồn của sông Magdalen được đánh dấu bằng những tác phẩm điêu khắc cổ tráng lệ; dòng sông chính của đất nước này hiện được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tương tự, ở Campuchia, những hình chạm khắc cổ trên các ngôi đền Angkor tôn vinh nền văn minh đánh cá và sông nước ở đây. Trong khi đó, các tác phẩm nghệ thuật trên đá của người bản địa Australia cách đây hàng chục nghìn năm tuổi, ghi lại sự hiện diện của cá và động vật thủy sinh tại các dòng sông vừa là vật tổ vừa là nguồn thức ăn thiết yếu.

Tuy các dòng sông là "động mạch" của trái đất, nhưng mối đe dọa đối với chúng và nguồn nước ngọt của hành tinh đang tăng lên gấp bội. Sự kết hợp nguy hiểm của biến đổi khí hậu, tình trạng xây đập, phân nhánh sông và đặc biệt là tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm đang biến các dòng sông từ những tuyến đường thủy sôi động thành các vùng nước tù đọng.

Vào năm 2016, Quỹ Động vật hoang dã thế giới và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên phát hiện ra rằng, chỉ có “một phần tương đối nhỏ các quốc gia trên thế giới có các cơ chế pháp lý chính thức dành riêng cho việc bảo vệ các dòng sông”. Vì thế, các biện pháp bảo vệ pháp lý lâu dài để bảo đảm các chức năng hệ sinh thái quan trọng của sông được bảo tồn và công nhận quyền của các cộng đồng ven sông là hết sức cần thiết trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, những biện pháp này phải được xem xét trên quy mô lưu vực để bảo đảm bao gồm cả môi trường núi và rừng đầu nguồn, cũng như vùng đồng bằng ngập nước, vùng đất ngập nước, đồng bằng châu thổ, cửa sông và môi trường sống ven biển gần bờ…

Góc nhìn từ thế giới

Ở Mỹ, Đạo luật Nước sạch là luật liên bang toàn diện điều chỉnh tình trạng ô nhiễm nước ở xứ sở cờ hoa. Đạo luật này thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng nước, yêu cầu phải có giấy phép xả chất gây ô nhiễm, nhằm mục đích khôi phục và duy trì sự toàn vẹn của vùng biển quốc gia, bao gồm cả các con sông. Đạo luật do Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và các cơ quan nhà nước thực thi.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) có Chỉ thị khung về nước là bộ luật quan trọng của khối, đề cập đến việc bảo vệ và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên nước, trong đó có các con sông. Chỉ thị đặt ra mục tiêu và chỉ tiêu để đạt được trạng thái sinh thái tốt cho tất cả các vùng nước của EU. Các quốc gia thành viên được yêu cầu thực hiện các kế hoạch quản lý lưu vực sông, cũng như các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm và tăng cường hệ sinh thái sông. Ở Anh, ngay từ năm 1489, việc bảo vệ các dòng sông bắt đầu có ngôn ngữ thể hiện rõ ràng rằng bảo tồn là mối quan tâm chính. Một đạo luật từ những năm đầu tiên dưới triều đại của Vua Henry VII đã biến sông Thames và việc bảo vệ nó thành nhiệm vụ của Thị trưởng London với tư cách là “người bảo quản”.

Nhìn sang châu Á, Trung Quốc là quốc gia có nhiều luật và quy định khác nhau để bảo vệ các dòng sông. Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm nước ban hành năm 1984 và sửa đổi năm 2008 nhằm mục đích ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước, kể cả ở các dòng sông. Luật đặt ra các tiêu chuẩn xả thải, thiết lập các hệ thống giám sát và báo cáo ô nhiễm, đồng thời đưa ra hình phạt thích đáng đối với việc không tuân thủ. Trung Quốc cũng đã ban hành Luật Bảo vệ sông Dương Tử năm 2020. Mới đây nhất, Luật Bảo vệ sông Hoàng Hà, con sông dài thứ hai của đất nước, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.4.2023. Luật nhấn mạnh giới hạn lượng nước ngầm có thể rút khỏi lưu vực, lưu ý rằng các thị trấn nhỏ, với quy mô dân số không vượt quá 150.000 người, trong lưu vực không được vượt quá giới hạn rút nước ngầm do Chính phủ phân bổ.

Tại Ấn Độ, Đạo luật Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước năm 1974 có nội dung giải quyết ô nhiễm nước ở các dòng sông. Luật này thành lập các ban kiểm soát ô nhiễm ở cấp trung ương lẫn bang, đồng thời cung cấp các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm nước. Nó trao quyền cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ và phục hồi các dòng sông, đồng thời đưa ra hình phạt đối với các vi phạm.

Ở Australia, Đạo luật Về nước năm 2007 cung cấp khuôn khổ cho việc quản lý và bảo vệ nguồn nước của quốc gia, bao gồm cả các con sông. Nó thiết lập các giới hạn phân nhánh sông bền vững để bảo đảm sức khỏe lâu dài của hệ thống sông, thúc đẩy sử dụng nước hiệu quả, đồng thời đặt ra yêu cầu đối với việc bảo vệ và phục hồi dòng chảy môi trường. Chính quyền các bang chịu trách nhiệm thi hành các biện pháp bảo vệ sông cụ thể.

Nhìn sang khu vực Mỹ Latin, Brazil có nhiều quy định tập trung vào bảo vệ và quản lý sông. Chính sách tài nguyên nước quốc gia thiết lập các hướng dẫn sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có các con sông. Các ủy ban lưu vực sông đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, bao gồm cả việc bảo vệ sông.

Còn tại châu Phi, Nam Phi có Đạo luật Nước quốc gia năm 1998 cung cấp khuôn khổ cho việc quản lý tài nguyên nước và bảo vệ sông. Đạo luật nhấn mạnh việc sử dụng tài nguyên nước một cách công bằng và bền vững, bảo vệ hệ sinh thái dưới nước và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định.

Thái Anh