Để các dòng sông chảy tự do

- Chủ Nhật, 21/05/2023, 06:25 - Chia sẻ

Các chương trình bảo vệ pháp lý cho các dòng sông chảy tự do ở châu Âu được thiết kế để bảo vệ và duy trì tính toàn vẹn sinh thái cũng như hoạt động tự nhiên của các dòng sông, không để chúng bị cản trở bởi các đập thủy điện hoặc nhiều công trình nhân tạo khác.

Nhiều sáng kiến bảo vệ sông

Một trong những chương trình bảo vệ pháp lý đáng chú ý ở châu Âu là Chỉ thị Khung về nước của Liên minh châu Âu (WFD), được thông qua năm 2000. WFD thiết lập khuôn khổ bảo vệ và sử dụng bền vững tất cả các vùng nước bao gồm sông, hồ, vùng nước chuyển tiếp và ven biển. Nó nhấn mạnh việc bảo tồn, phục hồi các đặc điểm và quá trình tự nhiên của hệ sinh thái nước, trong đó có cả việc thúc đẩy các dòng sông chảy tự do.

Sông Danube đoạn chảy qua Hungaria. Nguồn: greatruns.com
Sông Danube đoạn chảy qua Hungaria. Nguồn: greatruns.com

Theo WFD, các quốc gia thành viên được yêu cầu đạt được tình trạng sinh thái và hóa học tốt cho tất cả các vùng nước của họ. Điều này bao gồm các biện pháp ngăn chặn những thay đổi vật lý có thể cản trở sự di chuyển của cá và các sinh vật dưới nước khác, chẳng hạn như xây dựng các rào cản hoặc khai thác nước quá mức. Chỉ thị cũng yêu cầu xây dựng các kế hoạch quản lý lưu vực sông, trong đó hướng dẫn bảo tồn và phục hồi cho từng lưu vực.

Ngoài WFD, một số quốc gia ở châu Âu còn thực hiện nhiều công cụ pháp lý cụ thể để bảo vệ các dòng sông chảy tự do. Ví dụ, Đức có hệ thống “sông hoang dã” (Wilde Flüsse) được thiết kế nhằm mục đích bảo vệ và khôi phục các đoạn sông với sự can thiệp tối thiểu của con người. Các phần này được cấp trạng thái bảo vệ đặc biệt, bảo đảm sự tồn tại động lực tự nhiên của chúng.

Một sáng kiến khác mang tên “những dòng sông vì sự sống” được triển khai tại Áo, tập trung vào việc bảo tồn, khôi phục tính liên tục sinh thái của các dòng sông. Nó khuyến khích việc chỉ định “cảnh quan sông”, nơi các đoạn sông và vùng ngập lũ của chúng được bảo vệ, phục hồi, đồng thời cho phép quá trình tự nhiên hình thành các hệ sinh thái ven sông.

Hơn nữa, một số quốc gia còn thành lập các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc khu vực bảo vệ bao gồm các hệ thống sông chảy tự do. Những khu vực này phải tuân theo các quy định và kế hoạch quản lý cụ thể nhằm duy trì tính toàn vẹn sinh thái của chúng.

Ngoài ra, EU còn nhiều sáng kiến đáng chú ý khác, như Natura 2000, vốn là mạng lưới các khu bảo tồn được thành lập theo Chỉ thị Về các loài chim và môi trường sống của EU. Nó bao gồm nhiều môi trường sống trên sông và các loài có tầm quan trọng ở châu Âu. Thiết kế các địa điểm Natura 2000 giúp bảo tồn các hệ sinh thái sông, cũng như đa dạng sinh học liên quan đến chúng.

Trong khi đó, Mạng lưới sông ngòi châu Âu (ERN) là liên minh gồm các tổ chức hoạt động nhằm bảo vệ và quản lý bền vững các con sông ở châu Âu. Nó tạo điều kiện cho các nỗ lực hợp tác, chia sẻ kiến thức và vận động chính sách giữa các thành viên nhằm thúc đẩy bảo tồn sông cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dòng sông chảy tự do. Tương tự, Living Rivers Europe (các dòng sông sống châu Âu) là liên minh gồm các tổ chức môi trường chuyên bảo vệ, phục hồi các dòng sông và hệ sinh thái nước ngọt trên khắp châu Âu.

Ngoài ra còn có Hội nghị Phục hồi sông châu Âu (ERRC), được tổ chức hai năm một lần, quy tụ các chuyên gia, học viên và nhà hoạch định chính sách từ khắp châu lục để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phục hồi sông hiệu quả.

Đặc biệt, Công ước Bảo vệ sông Danube là thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia có chung lưu vực sông Danube. Nó tập trung vào việc quản lý, bảo vệ bền vững sông Danube và các nhánh của nó…

Bảo vệ từ khía cạnh quốc gia

Ở Slovenia, Luật Bảo vệ sông Soča và các nhánh sông năm 1976 đã giúp bảo vệ hệ sinh thái thượng lưu sông Soča một cách toàn diện. Nó bao gồm các đặc điểm vật lý, hóa học và sinh học của hệ thống sông. Luật thiết lập khu vực được bảo vệ “bao gồm lòng sông, vùng nước và đất ven sông giữa nguồn và nơi hợp lưu với sông Idrijca”. Đây có thể được coi là kế hoạch bảo vệ hợp pháp, nghiêm ngặt đầu tiên đối với các dòng sông chảy tự do ở châu Âu.

Phần Lan thì thiết lập kế hoạch bảo vệ pháp lý cho các dòng sông chảy tự do vào những năm 1980. Nó bao gồm ba luật riêng lẻ, trong đó Đạo luật Bảo vệ ghềnh năm 1987 là phần trung tâm. Kế hoạch bảo vệ pháp lý được thiết lập đặc biệt để cấm phát triển thủy điện ở các ghềnh, sông hoặc hệ thống sông được chọn.

Thụy Điển xây dựng kế hoạch bảo vệ pháp lý cho các dòng sông chảy tự do vào năm 1987. Bốn con sông lớn phía Bắc là Torneälv, Kalixälv, Piteälv và Vindelälv, cùng với 22 con sông hoặc đoạn sông khác đã được bảo vệ khỏi sự phát triển thủy điện mới thông qua Đạo luật Quản lý tài nguyên (tự nhiên). Thuật ngữ “sông quốc gia” được đưa ra cho bốn con sông nói trên, giúp chúng được hưởng mức độ bảo vệ như nhau. Năm 1999, khi Đạo luật Quản lý tài nguyên bị bãi bỏ, kế hoạch bảo vệ được tích hợp vào Bộ luật Môi trường, bảo đảm các con sông hoặc đoạn sông nói trên không bị khai thác thủy điện, không bị điều tiết hoặc chuyển hướng cho mục đích này…

Trong khi đó, tại Pháp, Kế hoạch Quản lý lưu vực sông bao gồm danh sách các con sông không phát triển thủy điện và bảo vệ dòng chảy tự do. Kế hoạch ưu tiên loại bỏ các rào cản trên sông nhằm khôi phục tính liên tục, động lực học của sông và dòng chảy tự do. Pháp coi tính liên tục sinh thái của các dòng sông là yếu tố trung tâm trong chính sách và quy hoạch sông ngòi. Trong nhiều thập kỷ qua, Pháp đạt được thành công khá đáng kể trong việc bảo vệ và khôi phục các dòng sông chảy tự do thông qua việc dỡ bỏ nhiều con đập, đáng chú ý nhất là trên sông Loire và sông Allier hồi những năm 1990, cũng như trên sông Sélune vào năm 2020.

Ngọc Minh