"Mẫu số chung" của pháp luật bảo vệ sông

- Chủ Nhật, 21/05/2023, 06:23 - Chia sẻ

Pháp luật ở nhiều nước về bảo vệ sông đều nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái của các dòng sông, do vậy thường có "mẫu số chung" ở một số khía cạnh chính - từ tiêu chuẩn chất lượng nước, ngăn ngừa kiểm soát ô nhiễm đến dòng chảy của sông…

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Về tiêu chuẩn chất lượng nước, pháp luật bảo vệ sông nói chung thường thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng nước, xác định mức độ ô nhiễm có thể chấp nhận được trong nước. Các tiêu chuẩn này giúp điều chỉnh lượng nước thải công nghiệp và đô thị đổ vào sông, bảo đảm rằng chất lượng nước được duy trì ở mức phù hợp cho các mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm nước uống, đời sống thủy sinh và các hoạt động giải trí…

Bên cạnh đó, pháp luật cũng chú trọng đến các điều khoản để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm trên các dòng sông. Các nhà chức trách có thể yêu cầu giấy phép xả chất gây ô nhiễm vào sông, đặt tiêu chuẩn xả thải cho các ngành công nghiệp khác nhau và điều chỉnh các hoạt động như nạo vét, khai thác mỏ và nông nghiệp để giảm thiểu tác động của chúng đối với chất lượng nước. Các cơ chế thực thi, chẳng hạn như giám sát, báo cáo và xử phạt đối với việc không tuân thủ, thường được thiết lập để bảo đảm tuân thủ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Đối với dòng chảy môi trường, nhiều luật bảo vệ sông công nhận tầm quan trọng của việc duy trì đủ dòng chảy trong sông để hỗ trợ các hệ sinh thái lành mạnh. Các văn bản pháp lý này có thể yêu cầu xác định và phân bổ dòng chảy môi trường, là lượng nước tối thiểu cần thiết để duy trì hệ sinh thái sông và môi trường sống liên quan của chúng. Các luật thường ưu tiên bảo vệ và phục hồi các chế độ dòng chảy tự nhiên, cũng như xem xét nhu cầu của cả người sử dụng lẫn môi trường.

Liên quan đến quản lý lưu vực sông, pháp luật thường thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp quản lý tích hợp lưu vực sông. Nhiều luật có thể yêu cầu phát triển các kế hoạch quản lý lưu vực sông, vạch ra chiến lược, mục tiêu để bảo vệ và phục hồi các dòng sông trong một khu vực địa lý cụ thể. Các kế hoạch này thường có sự tham gia của các bên liên quan, thu thập dữ liệu, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và tổ chức có liên quan.

Về bảo tồn hệ sinh thái, các luật về bảo vệ sông trên thế giới thường nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái ven sông. Các văn bản này có thể chỉ định những khu vực được bảo vệ, chẳng hạn như các vùng ven sông và vùng đất ngập nước, đồng thời áp đặt quy định để ngăn chặn sự xuống cấp hoặc phá hủy của chúng. Các luật cũng có thể thúc đẩy nhiều sáng kiến phục hồi môi trường sống, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng sống dựa vào sông.

Đặc biệt, sự tham gia và nhận thức của công chúng cũng là một yếu tố quan trọng trong pháp luật bảo vệ sông ở nhiều quốc gia. Nhiều luật có thể yêu cầu sự tham gia của cộng đồng địa phương, các bên liên quan và người dân bản địa trong quá trình ra quyết định, bao gồm cả việc phát triển các kế hoạch lưu vực sông và cấp giấy phép. Các chương trình giáo dục và tiếp cận cộng đồng có thể được giao nhiệm vụ nâng cao nhận thức về giá trị của các dòng sông lẫn sự cần thiết phải bảo vệ chúng.

Ngày Sông ngòi thế giới

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Ngày Sông ngòi thế giới (World Rivers Day) diễn ra vào Chủ nhật thứ tư của tháng 9, là cơ hội nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của các dòng sông. Trong bối cảnh lượng lớn dân số trên trái đất dựa vào nguồn thực phẩm đến từ các hệ sinh thái sông, con người cần chủ động ngăn ngừa suy thoái và ô nhiễm sông, đồng thời duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái dưới nước.

Hiểu được điều này, ông Mark Angelo, một nhà ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường sông có tiếng trên trường quốc tế, đã đề xuất một sự kiện toàn cầu nhằm tôn vinh vẻ đẹp và sự cần thiết của các dòng sông. Ông từng giúp tổ chức thành công Ngày các dòng sông ở British Columbia, Canada vào những năm 1980 và muốn nhân rộng điều tương tự ở cấp độ toàn cầu. LHQ đã phản hồi tích cực với ý tưởng của ông vì nó phù hợp với chủ đề “Thập kỷ nước cho cuộc sống” của tổ chức này trong giai đoạn đó. Ngày Sông ngòi thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 2005, thể hiện sự đoàn kết của tất cả các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu. Hiện tại, ngày này được tổ chức tại 100 quốc gia trên khắp thế giới.

Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới, các dòng sông là hệ sinh thái rất đa dạng và hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và phúc lợi của con người. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 2 tỷ người phụ thuộc trực tiếp vào các con sông để lấy nước uống và 500 triệu người (khoảng 1/14 người trên Trái đất) sống ở các vùng đồng bằng được duy trì bởi trầm tích từ các con sông. Trong khi đó, các con sông tạo việc làm cho một số nghề cá năng suất cao nhất thế giới và sinh kế cho 60 triệu người, 55% trong số đó là phụ nữ. Ít nhất 12 triệu tấn cá nước ngọt được đánh bắt mỗi năm (chiếm khoảng 12% tổng lượng cá đánh bắt của thế giới) - con số đủ cung cấp protein cho ít nhất 160 triệu người.

Tuy nhiên, theo UNEP, điều đáng buồn là khoảng 1/3 các con sông ở Mỹ Latin, châu Phi, châu Á đang bị ô nhiễm mầm bệnh nghiêm trọng, nguyên nhân do xả nước thải chưa qua xử lý, thuốc trừ sâu nông nghiệp chảy tràn và ô nhiễm công nghiệp; ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng được tìm thấy ở khoảng 1/7 các con sông; ô nhiễm mặn nghiêm trọng và vừa phải ở khoảng 1/10 các con sông.

Các dòng sông cũng đang phải gánh chịu hậu quả do ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng. Nghiên cứu của UNEP cho thấy, ước tính có khoảng 1.500 tấn vi nhựa mỗi năm từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân thoát ra môi trường nước từ các nhà máy xử lý nước thải. Một nghìn con sông chiếm gần 80% lượng phát thải nhựa ven sông hàng năm trên toàn cầu, dao động từ 0,8 triệu đến 2,7 triệu tấn mỗi năm, trong đó các con sông nhỏ ở đô thị là một trong những nơi ô nhiễm nhất.

Tất cả thực trạng đáng báo động trên cho thấy Ngày Sông ngòi thế giới thật sự sẽ là cơ hội cảnh tỉnh người dân, phải nhanh chóng làm hòa với tự nhiên, hay các con sông, vì cuộc sống bền vững của chính mình.

Linh Anh