Bộ phận không nhỏ của nền kinh tế
Đứng về mặt hình thức và tư duy mới thì đúng rồi, nhưng trong dự thảo Luật, ngoài việc bỏ quy định hạn chế sử dụng nhỏ hơn 10 lao động, không được mở chi nhánh thì chưa thấy biện pháp nào để khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển. Dự án Luật này được xây dựng có mục tiêu chính là để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quản lý thu thuế chỉ là một phần, vì “dân giàu, nước mạnh”. Nếu một vấn đề chưa thấy rõ, không khả thi, thì không nên đưa vào quy định tại dự án luật này mà nên quy định trong nghị định của Chính phủ. Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy |
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp hiện hành đối với hộ kinh doanh đã được Chính phủ giải trình khá rõ trong Tờ trình, Báo cáo thuyết minh về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, một lý do để mở rộng phạm vi điều chỉnh là hộ kinh doanh hiện đang được đăng ký thành lập theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp và đăng ký hộ kinh doanh. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng bị điều chỉnh bởi hàng loạt các quy định pháp luật khác, từ thuế, kế toán, lao động, bảo hiểm, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… nhưng ở mức độ và phạm vi khác so với doanh nghiệp.
Chính phủ cũng chỉ rõ, khái niệm “hộ kinh doanh” không rõ ràng về địa vị pháp lý; không rõ ràng về quyền và trách nhiệm giữa hộ, chủ hộ là cá nhân, thành viên gia đình… Chính sự không rõ ràng này dẫn đến lúng túng trong quản lý nhà nước đối với hộ (thực tế, cơ quan thuế thì cấp mã số thuế cho cá nhân thành lập hộ chứ không phải hộ). Do vậy, theo Tờ trình dự án Luật, việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ giúp xác định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của hộ kinh doanh, chủ hộ và các thành viên gia đình tham gia thành lập hộ kinh doanh, đồng thời, sẽ là một thừa nhận rõ ràng của Nhà nước với loại hình kinh doanh này.
Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế nên cần được khẳng định về địa vị pháp lý, được luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, cũng như bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh; về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đồng thời, quy định về quản trị, kế toán với hộ kinh doanh cũng cần được đưa vào dự án Luật theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính.
Phải thảo luận kỹ
Tuy nhiên, câu chuyện có đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh ở dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không được Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng phải thảo luận kỹ. Bởi lẽ điều này sẽ tác động đến 4 - 5 triệu hộ kinh doanh ở nước ta hiện nay. Nếu đưa vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp cũng có nghĩa là sẽ có chế tài chặt chẽ với hộ kinh doanh - là mô hình kinh doanh đang phát triển ở nước ta, gắn với hàng chục triệu lao động, thậm chí nếu là hộ sản xuất nông nghiệp lại còn phức tạp nữa.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khi đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh tại Luật Doanh nghiệp phải hỏi ngược lại tại sao họ không thích trở thành doanh nghiệp? “Chúng ta đưa vào luật để quản lý hộ kinh doanh, nhưng có khi sau khi đưa vào điều chỉnh trong luật, hàng triệu hộ kinh doanh không làm nữa, vì không muốn vào. Tại sao không chuyển thành Luật Hộ kinh doanh để chặt chẽ hơn? ”, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH gợi mở.
Các Ủy viên UBTVQH cũng đưa ra hàng loạt ví dụ từ thực tế để trả lời cho câu hỏi vì sao hộ kinh doanh không thích chuyển thành doanh nghiệp. Trước hết, do thuế rất phức tạp, một doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), trong khi hộ kinh doanh chỉ phải đóng thuế khoán hàng tháng. Thứ hai, hộ kinh doanh hệ thống quản lý tài chính không được như doanh nghiệp, không có kế toán trưởng. Nếu chịu sự điều chỉnh giống như với doanh nghiệp, phải có bộ máy quản lý thuế thì hộ kinh doanh có làm được không khi chỉ có gian nhà mấy chục mét vuông để kinh doanh hàng hóa đơn giản? Thứ ba, thành viên hộ kinh doanh chỉ có ít người, mô hình vừa phải, gọn, chủ yếu dựa trên khai thác những lợi thế của gia đình và phần nhiều hoạt động trong lĩnh vực nhỏ, lẻ. “Bây giờ chúng ta đưa vào đây hộ kinh doanh sẽ phải thực hiện đầy đủ tất cả, hàng tháng báo cáo, kê khai tài chính, ngân sách… Người ta không thích là vì thế” - Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh.
Chính phủ đưa hộ kinh doanh vào quy định tại dự án Luật nhằm tạo địa vị pháp lý cao hơn, có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Những mục tiêu nêu trên có cần thiết phải đưa vào luật mới thực hiện được, hay chỉ cần ban hành một nghị định của Chính phủ quy định đầy đủ các vấn đề này?
Có thể thấy, các Ủy viên UBTVQH băn khoăn với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp chủ yếu bởi đây là vấn đề lớn, tác động đến khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhưng lại chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Do vậy, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cái nào rõ, “chín” và đánh giá tác động được mới sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp hiện hành. Vấn đề chưa “chín” sẽ chỉ sửa đổi những bất cập để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và dễ dàng hơn cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp nước ta.