Tác giả tuồng Lê Công Phượng: Thêm ấp ủ các dự định về tuồng
Dự định trong năm 2023, tôi sẽ tiếp tục viết kịch bản về đề tài lịch sử để truyền tải sử Việt anh hùng đến khán giả qua lăng kính nghệ thuật; để khán giả hôm nay thêm yêu lịch sử anh hùng của dân tộc, yêu phong tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Yêu nghệ thuật tuồng, đam mê với sân khấu tuồng, nhân dịp Xuân mới, tôi mong những chủ trương, định hướng của Đảng và nhà nước đã nêu ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được triển khai thực hiện một cách khoa học, đúng mức và triệt để hơn nữa, để cho di sản văn hóa truyền thống như tuồng có thêm nhiều điều kiện hoạt động, tiếp cận, phổ biến đến nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, học sinh, sinh viên, du khách quốc tế...
Muốn vậy, theo tôi, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác tổ chức hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là đưa sân khấu tuồng vào nhà trường, cũng như các chương trình phục vụ du lịch, các hoạt động giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông... Từ đó những giá trị văn hóa truyền thống vốn là bản sắc của dân tộc Việt Nam được lưu giữ ở nghệ thuật tuồng có điều kiện để phát huy, hòa nhịp chung vào việc phát triển con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh: Để hát xẩm mãi lan tỏa, lưu truyền
Nhìn lại thành quả, tôi đã hướng dẫn mọi người sinh hoạt về chuyên môn và thành lập câu lạc bộ. Điều vui mừng nhất là đã gây dựng một số chiếu xẩm dành cho người mù, đưa hát xẩm về đúng đối tượng của nó. Ngày trước hát xẩm là nghề đàn hát của người khiếm thị, nhưng giai đoạn tôi biết đến hát xẩm thì không còn ai là người khiếm thị hát nữa, có còn cũng chỉ một vài người không có khả năng ảnh hưởng, lan tỏa nghệ thuật này. Đến giờ, câu lạc bộ hát xẩm của người khiếm thị đã hoạt động vững mạnh. Nhiều địa phương như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thành phố Hải Phòng… hát xẩm đã thực sự được lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân.
Xẩm phát triển về lượng như vậy nhưng điều khiến tôi trăn trở là việc giữ gìn vốn cổ của xẩm. Phàm cái gì phát triển nhanh, gấp quá thì về chất chưa được như ý. Bây giờ 10 người hát xẩm thì tới 8 người không hiểu về xẩm. Mong muốn không của riêng tôi mà của tất cả những ai tâm huyết với nghệ thuật này là tới đây, Nhà nước, cơ quan chức năng các cấp, các địa phương có những dự án, kế hoạch để bảo tồn xẩm mang tính chất nguyên bản. Muốn vậy, phải có các khóa tập huấn về chuyên môn, đi sâu vào những kiến thức cơ bản về lề lối, làn điệu, lối cách của xẩm, để xẩm đến với công chúng với đầy đủ cái hay, cái đẹp của xẩm. Đồng thời, cần củng cố, phát triển, hỗ trợ các câu lạc bộ, hội nhóm hát xẩm để duy trì hoạt động thường xuyên và có chất lượng.
Cá nhân tôi có lẽ vẫn tiếp tục con đường của mình, nỗ lực cùng với các nghệ nhân hát xẩm gìn giữ, trao truyền vốn quý báu mà ông cha để lại.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Thị Thanh Lê: Chạm được vào truyền thống sẽ tạo ra nhiều cái mới mẻ, thú vị
Đây là một cách huy động và khai thác giá trị văn hóa truyền thống trong công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khá phổ biến trên thế giới. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho đến nhiều nước châu Âu đều làm cách này, tạo ra những sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm. Càng ở các sự kiện như dịp năm mới, nhiều người lại càng tìm về với truyền thống.
Ở Việt Nam, bên cạnh tiếp tục duy trì nghề truyền thống, chẳng hạn như các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, nghệ nhân vẫn sáng tạo theo cách của họ, nhưng hiện nay nghệ sĩ đương đại, nhà thiết kế… vào cuộc, đóng góp thêm các sản phẩm văn hóa mới.
Người trẻ đã thấy văn hóa truyền thống không chỉ là thứ để họ học hỏi, bảo tồn, mà là một nguồn tài nguyên độc đáo, giá trị. Nếu họ chạm được vào truyền thống, sẽ tạo ra cái gì đó mới mẻ, thú vị, và bán được, thậm chí bán rất đắt. Xu hướng này hứa hẹn vừa góp phần bảo tồn, giúp mọi người biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống, vừa có thêm các sản phẩm mới hữu ích thu hút công chúng hiện nay…
Ở tầm vĩ mô, hiện nay việc phát triển kinh tế không quá tách rời phát triển văn hóa và bảo tồn giá trị truyền thống. Việt Nam đang xem văn hóa như nguồn động lực phát triển kinh tế - xã hội, có các chính sách cổ vũ bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng thuận lợi phát triển nền tảng kinh tế liên quan đến văn hóa.
Tôi tin vào khả năng khai thác văn hóa và sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần củng cố năng lực thiết kế, để hỗ trợ cho lĩnh vực văn hóa, chuyển hóa từ văn hóa vào lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, muốn xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, cùng với việc bắt kịp từ thiết kế, công nghệ, truyền thông, cần có nét đặc sắc riêng của Việt Nam, không thể xuất khẩu dựa trên sự bắt chước mà cần có sự khác biệt về văn hóa và sáng tạo trên các lĩnh vực.