Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn vở “Đoạn thâm tình”

Tối 12.12, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã công diễn vở tuồng lịch sử “Đoạn thâm tình”, do Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Hoàng Văn Long chỉ đạo nghệ thuật. 

Vở diễn do Đoàn nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng. Êkíp sáng tạo gồm: tác giả Nguyễn Sỹ Chức; đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà; trợ lý đạo diễn: NSƯT Chu Quang Cường; âm nhạc: NSƯT Lê Trần Vinh; biên đạo múa: NSƯT Lê Khánh Toàn; họa sĩ: NSƯT Nguyễn Hoàng Phong; thiết kế âm thanh: Nguyễn Hùng Sơn; thiết kế ánh sáng: Nguyễn Văn Phong.

t1.jpg
Cảnh trong vở "Đoạn thâm tình"

Kéo dài hơn 2 tiếng, “Đoạn thâm tình” kể về những năm tháng cuối cùng của thời Vua Lê Hiền Tông và hai năm đầu thời Vua Lê Chiêu Thống. Chuyện kịch bắt đầu từ mùa Xuân năm 1786 đến cuối năm 1788, từ lúc Tả đô đốc Vũ Văn Nhậm, Hữu đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh theo Bình Bắc thượng tướng quân Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn ra Bắc Hà lần thứ nhất với danh nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh" đến khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần thứ hai xử tội Phò mã nhà Tây Sơn - Vũ Văn Nhậm...

Trước khi nhận án tử, Tả đô đốc Vũ Văn Nhậm mới hiểu hết giá trị của một bề tôi "Tận trung báo quốc" và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của những người ruột thịt, của những người bạn hữu đã một thời nơi chiến địa sinh tử bên nhau...

Xoay quanh 4 đức "trung, hiếu, tiết, nghĩa", chủ đề kịch bản cũng nêu rõ bài học về tấm lòng “ái quốc, ưu dân”. Đối với những người “ăn cơm vua, hưởng lộc nước” nhưng không tận tâm vì dân, vì nước, lại luôn cậy thế quyền để nhiễu hại lương dân ắt đến ngày “danh mất, phận không còn”. Bài học đó không chỉ xảy ra trước đây, mà sẽ còn nhắc nhở cho những bậc “Dân chi phụ mẫu” hôm nay và mãi mãi về sau.

tuong.jpg
Dàn nghệ sĩ tham gia vở diễn đã đạt nhiều thành tích trong các liên hoan sân khấu toàn quốc

Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà cho biết, “vở diễn mang hơi thở cuộc sống hôm nay về công tác tổ chức cán bộ, chính vì thế mà trở nên gần gũi, góp tiếng nói tham gia vào chủ trương lớn của Đảng. Để tác phẩm đi vào công chúng, đặc biệt là giới trẻ, chúng tôi đã dựng với tiết tấu nhanh hơn, chân thật hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt, đặc trưng riêng của tuồng cổ Việt Nam. Thông điệp mà vở diễn muốn truyền tải vì thế không giao đãi, không kể lể dài dòng mà tham gia vào chuyện kịch ngay, đẩy xung đột thành cú hích, gây tính hấp dẫn cho khán giả”.

Các diễn viên tham gia 4 vai chính do các nghệ sĩ: Đỗ Quyên, Trần Long, Chu Quang Cường, Tống Xuân Tùng đảm nhiệm, “là dàn nghệ sĩ có trải nghiệm, tài năng, đã đạt được thành tựu trong các liên hoan sân khấu toàn quốc nên khả năng ca, diễn và vũ đạo làm nổi bật tính cách nhân vật điển hình trong vở diễn”, NSND Giang Mạnh Hà cho biết thêm.

Theo Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Hoàng Văn Long, nhiều năm qua, nhà hát đã dàn dựng nhiều vở diễn, trong đó có các vở tuồng lịch sử. Lãnh đạo nhà hát qua các thời kỳ cũng làm mới các vở diễn thông qua việc hợp tác với các đạo diễn có tên tuổi từ Bắc vào Nam, với mong muốn làm dày thêm truyền thống của nhà hát. Bên cạnh gìn giữ nghệ thuật truyền thống, nhà hát cũng sẽ tiếp cận đời sống đương đại, đổi mới bằng nhiều phương thức để đáp ứng nhu cầu khán giả.

Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025
Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025

Với chủ đề "Thực học", Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 khai mạc chiều 23.1, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 47 người viết thư pháp Hán - Nôm và quốc ngữ tham gia Hội chữ mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành trong mùa xuân mới.

Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp
Văn hóa - Thể thao

Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp

Triển lãm "12 con giáp" của họa sĩ Đặng Việt Linh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đầu tháng 1.2025 thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật. Bộ tranh được thực hiện từ năm Quý Tỵ 2013 đến năm Ất Tỵ 2025, mang đến góc nhìn mới mẻ về hình tượng con giáp trong văn hóa Á Đông.