Thay đổi trong biểu hiện
Câu chuyện bản sắc trong sáng tác mỹ thuật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nền mỹ thuật từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) được chính thức thành lập. Ở từng giai đoạn phát triển, vấn đề “bản sắc” luôn được các thế hệ nghệ sĩ trăn trở và tìm tòi thể hiện.
Từ quan sát đời sống mỹ thuật, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, một số nền mỹ thuật đương đại mới nổi những thập niên gần đây như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… “bản sắc”, “bản địa” nhìn thấy rất rõ ở những nghệ sĩ tầm quốc tế. Chính “sắc thái bản địa” từ hình thức đến câu chuyện của nghệ sĩ đến từ nhiều nền văn hóa, nhiều dân tộc đã làm cho bức tranh chung về nghệ thuật đương đại thế giới càng trở nên hấp dẫn hơn.
Hơn chục năm trở lại đây, các nghệ sĩ Việt Nam cũng tích cực, chủ động thực hành và tìm kiếm cơ hội tham gia học hỏi nâng cao khả năng hội nhập quốc tế với những luật chơi mới. Khi càng hội nhập, câu chuyện bản sắc trong thực hành của nghệ sĩ càng trở nên quan trọng, tới mức sống còn.
Những tên tuổi nghệ sĩ Việt Nam hoặc gốc Việt thành danh trong các thiết chế nghệ thuật quốc tế như Lê Quang Đỉnh, Danh Võ, An Mỹ Lê, Nguyễn Oanh Phi Phi, Ưu Đàm Trần Nguyễn… bởi nghệ thuật của họ luôn đậm đặc hoặc phảng phất bóng dáng Việt.
“Xu hướng phổ biến trong số đông họa sĩ thường sử dụng khi đề cập đến vấn đề bản sắc là hình tượng hóa các biểu tượng mang tính bản sắc văn hóa địa phương hay các biểu tượng được cho là phổ quát về văn hóa dân tộc và thể hiện trên các chất liệu truyền thống. Đặc biệt, việc các nghệ sĩ sử dụng hình thức liên phương tiện để thực hành nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống của người Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi trong biểu hiện bản sắc, tính dân tộc trên con đường hội nhập ở giai đoạn mới của mỹ thuật Việt Nam”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định.
Kết hợp bảo tồn và sáng tạo
Quá trình tiếp biến văn hóa, giao lưu mỹ thuật Việt Nam khiến môi trường nghệ thuật phát triển mạnh mẽ. Trong khi xu hướng hội nhập quốc tế là không thể đảo ngược, câu chuyện bản sắc đã được đặt ra như một yêu cầu quan trọng.
Cách đây hơn 10 năm, Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật ra đời (2.10.2013), đã đề cập đến vấn đề này. Tại Điều 4, chính sách của Nhà nước về phát triển mỹ thuật, quy định: phát triển mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước; bảo tồn và phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống.
Theo đó, nhiều triển lãm, cuộc thi như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Festival Mỹ thuật trẻ... đều có nội dung chú trọng, đề cập vấn đề mang dấu ấn bản sắc. Quan niệm về nghệ thuật cũng trở nên đa dạng và phong phú cùng với sự mở rộng cơ hội tiếp cận với các nền nghệ thuật khác nhau của nghệ sĩ.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức về nguy cơ mai một bản sắc do việc tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật quốc tế đến các giá trị của mỹ thuật Việt Nam. Bản thân nghệ sĩ cũng đứng trước nhiều áp lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng, vừa phải áp lực đổi mới để vừa phù hợp với xu hướng quốc tế nhưng vẫn phải giữ được tinh thần dân tộc.
Câu chuyện bản sắc trong thời kỳ hội nhập luôn là vấn đề đáng trăn trở. Nhận định như vậy, Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, TS. Hoàng Thị Đào cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập mỹ thuật là tất yếu. Do tính chất đặc thù nên mỹ thuật cần được tìm hiểu ở nhiều góc độ, xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, chấp nhận những quy chuẩn mới mang tính quốc tế, xác định nội hàm bản sắc mỹ thuật dân tộc. Qua đó, vượt qua thách thức, phát triển nền mỹ thuật vừa có tính quốc tế, vừa có tinh thần Việt”.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)