Cam kết mạnh mẽ phòng, chống bạo lực gia đình
- Bà có thể cho biết những điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022?
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực đã đánh dấu bước tiến trong công cuộc bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là đối tượng yếu thế. Luật có một số điểm mới nổi bật như: tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 còn quy định tổ chức Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6). Quy định này đã được ghi nhận tại Điều 7 của Luật, qua đó thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong thúc đẩy các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và tôn vinh giá trị gia đình. Tháng hành động này không chỉ nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng mà còn tạo không gian chung để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thể cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại bạo lực gia đình.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như thế nào?
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực ngày 1.7.2023. Tính từ thời điểm đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Vụ Gia đình, đã tham mưu xây dựng và ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25.12.2023) quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng Nghị định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, xác định việc tổ chức thu thập, thống kê chính xác số liệu về phòng, chống bạo lực gia phục vụ công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực gia đình.
Nghị định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch trình Chính phủ ngày 30.10.2024. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan, ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18.5.2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ngày 4.6.2024, Lãnh đạo Bộ đã phê duyệt Quyết định số 1478/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP. Các Kế hoạch đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Tăng cường truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống
- Công tác truyền thông, tổ chức tập huấn, tuyên truyền thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì sao, thưa bà?
- Năm 2023 - 2024, Vụ Gia đình đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tuyên truyền Luật trên Kênh Giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật, Nghị định. Những điểm mới về biện pháp phát hiện, báo tin, phòng ngừa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; xây dựng phóng sự phổ biến chính sách mới nhằm bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; tổ chức tọa đàm về xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, góp phần phổ biến chính sách mới của Luật; xây dựng nội dung chương trình thảo luận về các chính sách trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Dự kiến năm 2025, chúng tôi sẽ phối hợp xây dựng Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP. Tổng đài sử dụng số điện thoại ngắn có ba chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ ở cơ sở về truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình và các thủ tục liên quan đến những cơ sở hỗ trợ dịch vụ cho nạn nhân hiện nay. Phối hợp với các cơ quan để sau khi Nghị định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành sẽ tiếp tục xây dựng Đề án triển khai thực hiện. Trong đó thành lập các trung tâm phòng, chống khủng hoảng để hỗ trợ người bị bạo lực và người gây bạo lực.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 hướng đến bảo vệ lợi ích, quyền con người bị bạo lực trong gia đình, đặc biệt chú ý đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em. Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28.1.2022 ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Sau thời gian triển khai, đến nay theo báo cáo từ các tỉnh, thành phố, bạo lực gia đình có xu hướng giảm về số lượng và mức độ nghiêm trọng.
- Để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, bà có cho rằng cũng cần quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình?
- Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác gia đình từ Trung ương tới địa phương. Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã được triển khai với hình thức và nội dung phong phú. Trong đó, lồng ghép với các hoạt động truyền thông cao điểm nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3), ngày Gia đình Việt Nam (28.6), Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25.11).
Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 2 năm thí điểm, đã tổng kết, đánh giá toàn diện năm 2022, Vụ Gia đình đã trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28.1.2022 ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, sau đó ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí đến năm 2025 triển khai trên toàn quốc (Quyết định số 979/QĐ-BVHTTDL ngày 26.4.2022).
- Xin cảm ơn bà!
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)