Khai thác văn hóa phục vụ du lịch bền vững

Phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao để phát triển du lịch cần sự thận trọng và trách nhiệm, tránh tình trạng thương mại hóa trong hoạt động du lịch, nhàm hóa giá trị văn hóa, phai nhạt bản sắc...

Đưa văn hóa vào khai thác phục vụ du lịch bền vững -1
Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững” Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa
Phát biểu đề dẫn hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững” sáng 5.1, TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Di sản văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, tiềm ẩn bản sắc văn hóa của cộng đồng xã hội. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa từ lâu đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý và ngày nay là cả cộng đồng chủ nhân di sản.

Nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện, góp phần to lớn bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong nhiều phương thức bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch được coi là một phương thức hữu hiệu mang lại nhiều lợi ích cho các bên.

Những năm gần đây, di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng và địa phương. Trong đó phải kể đến 2 địa phương là thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái) và bản Tả Phìn (xã Tả Phìn, thị xã Sapa, Lào Cai).

Đưa văn hóa vào khai thác phục vụ du lịch bền vững -2
TS. Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, sự phát triển du lịch khu vực miền núi, trong đó có địa bàn sinh sống của cộng đồng người Dao cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề. Theo TS. Hoàng Thị Bình, đó là các tác động tiêu cực đến môi trường, sự mai một của các yếu tố văn hóa truyền thống, việc hưởng lợi từ hoạt động du lịch của người dân địa phương chưa tương xứng...

Mặc dù di sản văn hóa dân tộc Dao rất tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác trong du lịch chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch nhìn chung mang tính tự phát, hạn chế về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp.

Nguồn nhân lực làm du lịch còn thiếu và yếu. Nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng người Dao còn phải cạnh tranh với các loại hình du lịch khác đang rất phát triển.

Đưa văn hóa vào khai thác phục vụ du lịch bền vững -0
Đại diện dân tộc Dao đến từ Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang… chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao, việc đưa văn hóa vào khai thác phục vụ du lịch bền vững…

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân, cộng đồng địa phương tập trung trao đổi, thảo luận về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững.

Các tham luận tại hội thảo đi sâu vào cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao; nhận diện những di sản văn hóa của người Dao; thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao hiện nay trước sự tác động của kinh tế, chính trị, xã hội; đề xuất mô hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững… 

TS. Hoàng Thị Bình cho rằng, để có thể tạo dựng thương hiệu riêng, sản phẩm độc đáo có lợi thế, việc phát triển các điểm du lịch gắn với cộng đồng người Dao cần tính đến sự cân bằng, hài hòa với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như hệ sinh thái tự nhiên của các bản, làng vùng cao; đồng thời, tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với tiềm năng mà địa phương sở hữu; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng tham gia, làm chủ và được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch trên địa bàn.

Văn hóa

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.