Kỷ lục này được xác lập đối với tiết mục đồng diễn “Âm vang đại ngàn” trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai và Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2023 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.
Tiết mục với sự quy tụ số lượng nghệ nhân đông nhất từ trước tới nay từ 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng đồng diễn cùng đông đảo diễn viên, học sinh tỉnh Gia Lai. Tổng số lượng tham gia tiết mục đồng diễn là 1.330 người.
Được biết, Lễ trao nhận Kỷ lục Việt Nam về “Chương trình đồng diễn cồng chiêng Tây Nguyên có số lượng nghệ nhân, diễn viên, học sinh tham gia đông nhất Việt Nam” dự kiến tổ chức trong đêm khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra vào tối 8.11 tại Khu vực sân nhà rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh).
Với các tộc người Tây Nguyên, cồng chiêng là một linh khí. Đồng bào tin rằng trong mỗi chiếc cồng chiêng cổ đều có một vị thần trú ngụ. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Trong văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Gia Lai, cồng chiêng chỉ được đem ra đánh khi con người cần giao tiếp với thần linh và tổ tiên. Cồng chiêng có mặt trong hầu hết các hoạt động mang tính nghi lễ của cá nhân, cộng đồng trong ứng xử với thiên nhiên, xã hội; là nhân tố gắn giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Cồng chiêng tồn tại với cuộc sống mỗi con người và giai đoạn phát triển lịch sử của cộng đồng như một thành tố không thể thiếu vắng.
Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.