Định danh số, nâng tầm di sản

Trong thời đại công nghệ số, việc định danh số di sản văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Điểm chạm tự nhiên

Từ đầu năm 2024, linh vật nghê (Văn Miếu) trong văn hóa cổ truyền Việt Nam có hai phiên bản: tượng nghê đang chầu trên tứ trụ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vật phẩm đúc bằng đồng thau gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn). Từ mã chip này, công chúng có thể truy cập thông tin chi tiết về công trình nghiên cứu “Nghê nơi cửa Khổng, sân Trình” của TS. Trần Hậu Yên Thế. Công trình này cũng đã được định danh số, cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam (ra mắt ngày 18.1). Theo các chuyên gia, sự kết hợp này là dẫn chứng cho quá trình kết nối các giá trị di sản, giúp phát huy tối ưu tiềm năng.

Không gian triển lãm ảo trưng bày 10 cổ vật Cung đình Huế tại museehue.vn. Ảnh: Thái Minh
Không gian triển lãm ảo trưng bày 10 cổ vật Cung đình Huế tại museehue.vn. Ảnh: Thái Minh

Cùng hướng đi này, dự án Số hóa Hoàng thành Thăng Long đã được tiến hành từ năm 2021, sử dụng công nghệ quét 3D và AR/VR/XR (thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường/thực tế ảo mở rộng) tạo ra các mô hình 3D chi tiết của khu di tích, cho phép du khách tham quan và tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của Hoàng thành.

Gần đây nhất, dự án Định danh số và triển lãm số các cổ vật triều Nguyễn, sử dụng blockchain (công nghệ chuỗi khối) và NFC để định danh và quản lý các cổ vật triều Nguyễn được thực hiện tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Theo đó, 10 cổ vật được định danh đã ra mắt công chúng tháng 5.2024. Khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh quét chip gắn trên cổ vật, tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D cổ vật.

Song song với đó, các chuyên gia, kỹ sư đã sử dụng công nghệ để đưa các cổ vật được định danh lên không gian số tại museehue.vn. Từ nền tảng vũ trụ ảo này, người dùng được trải nghiệm đa giác quan trên nhiều thiết bị điện tử, kính thực tế ảo… Trong tháng đầu tiên ra mắt, museehue.vn đã đón nhận hàng nghìn lượt truy cập, tương tác, hơn hẳn số lượng người thực tế đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trong cùng khoảng thời gian.

Công nghệ định danh số là một điểm chạm rất tự nhiên với các di tích, di sản văn hóa, giúp lan tỏa thông tin, kiến thức một cách sinh động, hiện đại. Nhận định như vậy, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, ứng dụng công nghệ số là bước tiến mới trong việc tích hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa triều Nguyễn cũng như giá trị văn hóa nói chung, đáp ứng xu thế ứng dụng số hóa di sản, phát triển công nghiệp văn hóa. Từ đây không chỉ giúp việc tra cứu, tham khảo, nghiên cứu diễn ra thuận tiện mà còn là nơi để giáo dục thế hệ trẻ tìm hiểu về di sản hiệu quả.

Bước chuyển tất yếu

Trên nhiều diễn đàn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong xã hội số, vì vậy, rất cần ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, nghiên cứu, quảng bá di sản. Đồng thời, sử dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ hiện đại khác để tạo ra trải nghiệm du lịch số hấp dẫn, giúp du khách có thể khám phá các di sản văn hóa một cách sinh động, chân thực.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển để không bị đi sau nhiều lĩnh vực hiện đại khác. “Chúng ta cũng cần động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nên việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa dân tộc”.

Từ kinh nghiệm thực hiện định danh số cho hiện vật, di sản, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phygital Labs Nguyễn Huy chỉ ra việc phát triển ứng dụng công nghệ vật lý số đối với di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích: bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa; khai thác bản quyền di sản; tăng cường trải nghiệm tham quan và giáo dục; quản lý và phát triển các di sản văn hóa; mở ra cơ hội kinh tế mới…

Chẳng hạn, việc khai thác bản quyền di sản thông qua công nghệ vật lý số giúp các tổ chức văn hóa tạo ra các sản phẩm phái sinh như ấn phẩm, phim ảnh và trò chơi điện tử, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung và quảng bá di sản văn hóa ra toàn cầu. Điều này hỗ trợ công tác bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế của di sản. Hay công nghệ vật lý số giúp các tổ chức văn hóa quản lý và phát triển di sản hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc sử dụng các công nghệ như NFC và blockchain giúp xác thực nguồn gốc và bảo vệ quyền sở hữu các hiện vật, đồng thời tạo ra các kênh mới để quảng bá và khai thác giá trị của di sản…

“Việt Nam có nền văn hóa phong phú, đa dạng với rất nhiều di sản và di tích nổi tiếng. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy được hết tiềm năng đó. Trong bối cảnh này, công nghệ là một cửa ngõ giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, tiến gần hơn tới công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ cũng như du khách quốc tế muốn biết về văn hóa nhưng chưa đến Việt Nam bao giờ thì ứng dụng công nghệ mới nhất như vũ trụ ảo, AI cho phép chúng ta tái hiện các không gian văn hóa của Việt Nam lên các trang web, ứng dụng của các thiết bị để thế giới có thể chiêm ngưỡng… Nói cách khác, ứng dụng công nghệ để khai thác bản quyền di sản không chỉ bảo vệ các giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, mở ra cơ hội kinh tế mới và nâng cao vị thế văn hóa của Việt Nam”, ông Nguyễn Huy nói.

Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ, tri ân và cùng nhau bứt phá
Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ, tri ân và cùng nhau bứt phá

Giải “Eximbank Golf Tournament 2024 – Lần thứ 2” đã chính thức diễn ra tại sân Heron Lake Golf Course & Resort, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 35 năm thành lập Eximbank (17.1.1990 – 17.1.2025), một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển và khẳng định vị thế của ngân hàng.

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.

Chương trình tôn vinh nét đặc sắc của văn hóa cố đô Huế
Văn hóa

Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô

Đêm nhạc Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô , với sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử và nhạc truyền thống, sẽ diễn ra vào tối 19 - 20.10, tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế.

Giữ truyền thống và tạo sức sống mới cho làng nghề
Văn hóa - Thể thao

Đan quyện tinh hoa và sáng tạo

Là “đất trăm nghề”, Hà Nội đang từng bước nâng tầm sản phẩm thủ công, thổi làn gió mới vào giá trị truyền thống; sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo hiện đại không chỉ giúp bảo tồn bản sắc thủ đô, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, tìm lại sức sống cho làng nghề.