Áo dài ngũ thân - di sản và thời trang

Bài 1: Hồi sinh, hòa nhịp sống đương đại

Sau những biến động lịch sử và ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, áo dài ngũ thân từng có thời gian bị lãng quên. Tuy nhiên, trang phục này đang hồi sinh, giữ nét đẹp truyền thống và hòa với nhịp sống hiện đại.

Gắn bó với đời sống

“Khoảng năm 1959 - 1960, mỗi khi trong xóm có đám cưới, tôi thường thấy bố tôi và các bậc ngang tuổi vận bộ áo dài màu đen, quần trắng, đầu đội khăn xếp, chân đi guốc mộc (không mấy cụ đi giày), tay cầm ô đen. Phía sau là các cụ bà cũng mặc áo dài màu gụ, váy đen, thắt lưng màu mỡ gà, khăn đen hoặc thâm… Ngoài dịp cưới hỏi, vào ba ngày Tết Nguyên đán, bố tôi cùng nhiều cụ ở các gia đình khác cũng mặc áo dài để đón khách đến chúc Tết và đi chúc Tết. Những lúc đó, ai nấy rạng rỡ, tác phong nhanh nhẹn, niềm nở với nhau, tôi thấy càng thêm yêu mến các cụ. Và tôi ước ao bao giờ ‘lớn’ như các cụ để được mặc bộ áo dài đó” - PGS.TS. Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, từng chia sẻ cảm nhận từ thời thơ bé tại hội thảo "Bảo tồn và phát huy áo dài truyền thống - kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý".

Sau này nghiên cứu về làng xã, PGS.TS. Bùi Xuân Đính có điều kiện tìm hiểu về áo dài nam, vốn còn được lưu giữ trong trang phục áo tế lễ tại các đình làng. Đó là tổ hợp gồm quần trắng, áo dài và khăn xếp; là bộ lễ phục, mang nét nam tính, trang trọng, trang nghiêm của đàn ông Việt, được mặc khi ra đình làm lễ, hội họp, hay khi là đại diện gia đình, dòng tộc trong dịp tổ chức cưới hỏi...

ao-dai-6895.jpeg
Áo dài ngũ thân đang dần trở lại đời sống. Nguồn: BVHTTDL

Áo dài nam truyền thống nguyên bản có 5 thân và 5 cúc nên được gọi là áo dài ngũ thân. Tà áo phải rộng, che được phần lớn cơ thể. Trong 5 tà (thân) áo, thân trong (thân thứ năm, hay tà giữa) cài cúc kín hơn khi ngồi, tạo cho người mặc sự nho nhã, lịch sự…

Cho rằng áo dài đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Việt, GS.TS. Thái Kim Lan - chủ nhân bộ sưu tập áo dài quý hiếm, từng là giảng viên môn triết học đối chiếu tại Munich (Đức) cho biết: “Thế hệ tôi, tà áo dài hiện diện trong đời sống thường nhật, phụ nữ từ người bình dân buôn thúng bán bưng cho đến người cao sang đều… bình đẳng trong chiếc áo dài, bình đẳng trong vẻ đẹp cũng như tính cách con người. Dù chất lượng vải vóc khác nhau, nhưng tính cách Việt vẫn là một, cho nên áo dài hoàn toàn gắn bó với đời sống của mỗi người”.

Lối cắt áo dài thời xưa với 5 tà, phủ vạt rộng. Mặc dù không eo nhưng nhờ bờ vai và cánh tay vừa khít nên vẫn nhấn được vóc dáng thanh tao, mảnh khảnh của phụ nữ Việt…

Biểu tượng của tính cách Việt

Thời gian dài chiến tranh, biến động xã hội đã khiến áo dài ngũ thân dần bị lãng quên. Tuy nhiên, thời kỳ đổi mới, áo dài đã hồi sinh và trở lại trong đời sống văn hóa người Việt. PGS.TS. Bùi Xuân Đính nhớ lại: các lễ thức ở đình, đền, miếu cùng hội hè được mở trở lại; nghi lễ cưới xin, khao vọng… được tổ chức trang trọng hơn. Đến những năm 1992 - 1993, với các bậc nam giới cao tuổi, áo dài không còn là “hiện tượng lạ” trong các sinh hoạt lễ nghi ở nông thôn. Và chỉ vài năm sau đó, áo dài đã “phủ sóng” trong các sinh hoạt tín ngưỡng ở đình, đền, cũng chiếm mảng màu nổi bật trong nghi lễ cưới hỏi của gia đình, trong các nghi lễ của họ tộc ở hầu khắp địa phương.

Theo các nhà nghiên cứu, năm 1744, sau khi lên ngôi, xưng vương ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Được kế thừa từ loại áo năm thân vốn xuất phát từ Huế, áo dài trở thành trang phục chính của người dân Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Đến thời Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841), áo dài trở thành trang phục thống nhất cho cả Đàng trong và Đàng ngoài như một trong những biểu hiện vật chất thể hiện sự thống nhất quốc gia, thống nhất văn hóa.

Những thập kỷ gần đây, áo dài, đặc biệt là áo dài nữ, không ngừng được cách tân, phát triển song song với những loại trang phục mới. Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm, cố vấn của Câu lạc bộ Đình làng Việt cho rằng, qua một số cách tân, đến nay áo dài truyền thống, nếu cắt may chuẩn chỉ, vẫn mang những nét đặc trưng vốn dĩ được hình thành và xác quyết theo dòng lịch sử, phù hợp quan niệm thẩm mỹ của người Việt. Quan trọng hơn, áo dài truyền thống - đặc biệt đối với phái nữ - được cộng đồng quốc tế lấy làm một trong những dấu chỉ để “nhận diện” Việt Nam.

Năm 1965, khi sang Đức du học, “gia tài” GS.TS. Thái Kim Lan mang theo là 6 bộ áo dài bằng lụa. “Ngày khai giảng, tôi cùng 5 nữ giáo viên khác cùng du học đến trình diện ở trường trong những chiếc áo dài thướt tha. Đồng nghiệp ngoại quốc dự khai giảng ngỡ ngàng khi thấy trang phục của chúng tôi. Họ trầm trồ trước vẻ uyển chuyển, thướt tha và ngợi khen đây là một trang phục rất lạ, đẹp, lịch sự và thích hợp với dáng dấp mảnh khảnh của phụ nữ Á Đông… Năm 2000, tôi đi dự Đại hội quốc tế ở Hàn Quốc, mang theo chiếc áo dài cổ điển. Mọi người lại ngạc nhiên không ngờ chiếc áo dài Việt vừa thanh nhã, cao sang vừa yểu điệu…”

Lựa chọn mặc áo dài trong nhiều sự kiện giao lưu văn hóa và nhận được sự khen ngợi của bạn bè quốc tế, ông Lê Thanh Bình, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Ngoài vẻ đẹp sang trọng và đậm đà bản sắc dân tộc, áo dài còn rất hữu dụng và phù hợp với nhiều điều kiện hoàn cảnh. Có trải nghiệm thực tế và tìm hiểu mới thấy bộ trang phục này hoàn toàn phù hợp với cuộc sống đương đại. Nó có thể ứng dụng dễ dàng cho nhiều không gian, thời gian, phù hợp cho nhiều đối tượng người mặc, thích hợp cho cả lễ phục hay thường phục mà không phải cầu kỳ hay biến đổi phức tạp”. Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tìm hiểu và phát triển, quảng bá việc may và mặc áo dài ngũ thân truyền thống như một xu hướng tất yếu…

Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ, tri ân và cùng nhau bứt phá
Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ, tri ân và cùng nhau bứt phá

Giải “Eximbank Golf Tournament 2024 – Lần thứ 2” đã chính thức diễn ra tại sân Heron Lake Golf Course & Resort, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 35 năm thành lập Eximbank (17.1.1990 – 17.1.2025), một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển và khẳng định vị thế của ngân hàng.

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.