Cảm hứng từ mạch ngầm Tây Bắc
Triển lãm Song Dương chính thức mở cửa tại không gian nghệ thuật Art space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, từ ngày 12 - 16.10. Hai tác giả của triển lãm là họa sĩ Đặng Thanh Dương và nữ cán bộ công an, thiếu tá Bùi Hải Dương, cùng mang đến cái nhìn đa sắc về thể loại hội họa trừu tượng.
Với 18 tác phẩm mang tới triển lãm lần này, Đặng Thanh Dương tiếp tục mảng đề tài hướng về Tây Bắc. Đằng sau những nhát cọ mạnh mẽ, khoáng đạt, sau những mảng miếng chồng lấn, đan xen, sau những vệt màu trượt dài hay dứt khoát là dáng hình đất trời, vạn vật. Cả một bầu không gian núi rừng được gợi ra, từ triền dốc hoang vu, thung sâu gợi mở đến đất, đá, sông, suối… tạo cảm giác giao hòa, sâu lắng.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, vẫn giữ bút pháp cảm tính mạnh mẽ, vẫn lấy cảm hứng sáng tạo từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc nhưng dường như tranh của Đặng Thanh Dương trong triển lãm lần này ngả dần sang xu hướng trừu tượng biểu hiện, dùng cảm xúc để dẫn hướng bố cục, tốc độ vẽ và hòa sắc.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông phân tích, trừu tượng biểu hiện là xu hướng sáng tác phù hợp cho nhu cầu giải phóng năng lượng sáng tạo, có thể rất hứng khởi đối với nghệ sĩ và người xem nếu thấy phù hợp, tuy vậy là thách thức lớn khi muốn định hình một phong cách cá nhân. “Mối liên hệ máu thịt của Đặng Thanh Dương với núi cao sông dài Tây Bắc là một thuận lợi tự nhiên khi tiếp cận ngôn ngữ hội họa này”.
Đặng Thanh Dương cũng thừa nhận, dấu ấn tác phẩm trong Song Dương là sự mới mẻ trên những đối tượng mà khán giả vốn đã quen thuộc trong tranh của anh. “Lần này tôi đề cao, đi sâu vào mạch ngầm miền di sản Tây Bắc. Phác họa từng lớp từng lớp di sản đó đòi hỏi một chặng đường dài, series tranh triển lãm này là một phần trên hành trình đó”.
Đặng Thanh Dương chia sẻ thêm, lần này, ngôn ngữ hội họa của họa sĩ dành nhiều miền di sản cao nguyên đá Hà Giang, nhằm mang tới một hình dung mới về sức sống của đá và cảm hứng từ sự trùng điệp, bao la. “Tôi đi cùng các nhà khảo cổ địa chất và đặc biệt ấn tượng với đá. Tôi nhận thấy đá có đời sống riêng của nó, không khô cằn như mình nghĩ. Đá cho tôi cảm hứng để sáng tạo”.
Phiêu lãng trên giấy dó
Với Bùi Hải Dương, câu chuyện hội họa lại chất chứa đầy nét riêng thuộc về xúc cảm. Lựa chọn giấy dó làm nền thể hiện nhưng nữ họa sĩ lại thổi vào chất liệu truyền thống một bầu không khí sáng tạo mới mẻ.
“35 tác phẩm triển lãm đều là màu nước trên giấy dó. Tôi thích chất liệu ấy, thấy màu sắc trên giấy dó thú vị, đặc biệt hơn. Đa phần mọi người vẽ màu nước trên khổ giấy nhỏ, tả thực những thứ thanh thoát, nhẹ nhàng, còn ở đây, tôi chọn vẽ những mảng miếng trên khổ rất lớn”, họa sĩ Bùi Hải Dương chia sẻ.
Trong các tác phẩm của nữ họa sĩ, khổ nhỏ nhất là 69 x 110cm, còn khổ lớn nhất lên tới 110 x 240cm. Với những tác phẩm vượt khỏi khuôn khổ truyền thống (thường chỉ có kích thước 69 x 105cm), họa sĩ phải nhờ sự trợ giúp của các nghệ nhân làm nghề, sử dụng nhiều kỹ thuật để nối, bồi, chắp. Chưa kể, để vẽ màu nước trên khổ to khá phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật thể hiện.
Xem các tác phẩm của Bùi Hải Dương, nhiều người không khỏi bất ngờ về khả năng biểu hiện của tranh màu nước. Những tác phẩm triển lãm được để mộc, không dùng kính, nhằm tôn lên tối đa hiệu ứng mạnh, sống động của những mảng màu, đường nét.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Huy Nguyễn nhận xét, sự thăng hoa của xúc cảm trong tranh của Bùi Hải Dương là những khắc khoải tự sự, những cảm xúc bất chợt, những hồn nhiên tươi trẻ và những tâm sự thường nhật... Tất cả đều có thể trở thành một câu chuyện xúc cảm riêng biệt khác lạ. “Trước những tác phẩm của cô, người thưởng lãm như cảm nhận được nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ và những câu chuyện ẩn hiện phía sau những mảng màu lôi cuốn, níu kéo và chiêm nghiệm”.
Vượt thoát những giới hạn để tự do sáng tạo cũng là điều mà Bùi Hải Dương muốn gửi gắm trong triển lãm Song Dương. “Trong triển lãm này tôi không đề tên tác phẩm với mong muốn tất cả mọi người có thể cảm nhận theo cách riêng. Mỗi người có thể dựa trên những trải nghiệm, cảm xúc cá nhân để tự đặt tên tranh, tự tạo ra các câu chuyện cho bức tranh. Điều tôi muốn là khán giả của mình cũng đồng sáng tạo, tự do, phóng khoáng trước nghệ thuật”.
Dường như hai họa sĩ với hai góc nhìn riêng, hai dòng mỹ cảm đã cùng gặp nhau ở mong muốn khai phá giá trị mới trong hội họa. Nói như họa sĩ Đặng Thanh Dương, đó là cuộc đối thoại đầy cảm xúc với tranh trừu tượng. Cùng triển lãm tranh trừu tượng nhưng một bên thì chất trừu tượng đầy nét sinh động, tung tẩy, còn một bên thì tiết chế gam màu, để dòng năng lượng chìm sâu, đậm chất. Cả hai yếu tố này bổ trợ cho nhau, để Song Dương khác biệt”.
Một số tác phẩm tại triển lãm: