Là cây biểu tượng, cây thiêng nối trời và đất, nêu thường được dựng trước Tết, có nơi dựng vào ngày 25, nơi làm ngày 27 tháng Chạp, cũng có nơi chọn ngày Thìn hay ngày Tuất cuối cùng của năm. Đến ngày đã chọn, chủ nhà bày lễ để chủ lễ (thầy cúng) và người giúp việc tiến hành nghi thức cúng. Gia chủ mời chủ lễ uống rượu và sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài sây giể (xem bói) về lý do làm lễ Gầu tào. Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài sáy dìn sê (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến cây tre đã chọn. Cây tre làm nêu phải thẳng, đều dóng, cao 9 - 12m, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc. Khi tiến hành nghi lễ chặt tre, thầy cúng làm lễ và cầm ô che, vừa hát bài chía dìn sê (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát. Hết bài hát, người ta chặt tiếp sao cho tre đổ về hướng mặt trời mọc và có người đỡ để tre không chạm đất. Sau đó, thân tre được tỉa nhẵn, còn ngọn tre để nguyên cành lá. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài cứ dìn sê (vác cây nêu), mọi người mang cây nêu theo hướng gốc phía trước, ngọn phía sau, cây không được chạm đất và không nghỉ giữa đường.
Lễ cúng bên cây nêu diễn ra ngay buổi sáng hôm đó. Chủ lễ thắp hương, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài Tịnh chay (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu và ngày mở hội Gầu tào. Gầu tào theo tiếng Mông có nghĩa chơi núi (núi thiêng). Hội Gầu tào do một gia đình đứng ra tổ chức. Thường gia đình nào muốn cầu con, xin sức khỏe hay tài lộc; hay tạ ơn thần linh khi lời cầu khấn thành hiện thực, họ sẽ xin với làng mở Gầu tào. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai từ năm 1980 - 2011, riêng ở huyện Bắc Hà có 29 lễ hội được tổ chức, trong đó 28 lễ hội nhằm cầu con. Lễ Gầu tào diễn ra từ mồng 2 - 5, hoặc mồng 3 - 6 tháng Giêng, nhưng cây nêu được trồng trước phiên chợ cuối cùng trong năm, để mọi người đi chợ biết rằng năm nay vùng đó, làng đó sẽ mở hội và đến dự.
Cây nêu là trung tâm của lễ hội Gầu tào. Bắt đầu lễ hội, chủ lễ cúng trời đất, thần linh phù hộ cho gia chủ đạt được điều mong ước, sau đó đoàn người đi vòng quanh cây nêu và hát bài lễ. Ngoài ra, người dự hội có thể đến bên cây nêu để cầu xin thần linh. Sau nghi lễ là các hoạt động như biểu diễn và thi đấu khèn, cưỡi ngựa, đánh quay... Ngày hội cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, thi tài, vui chơi, gặp gỡ người yêu để bộc bạch tình cảm qua bài hát hay tiếng đàn môi. Khi lễ hội kết thúc, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn tổ tiên, trời đất, thần linh, xin phép hạ nêu. Cây nêu được mang vào nhà theo hướng gốc vào trước, gia chủ sẽ dựng phía sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con.
Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng dân tộc Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, Lào Cai gìn giữ từ xưa đến nay. Người Mông có truyền thống truyền tin qua dòng họ, khi diễn ra lễ hội Gầu tào ở Si Ma Cai, không chỉ người Mông ở các huyện của Lào Cai tham dự, mà còn có người Mông Nghệ An, hay người Mông tại các tỉnh của Trung Quốc. Qua trang phục và tiếng nói có thể biết họ ở vùng nào tới. Theo anh Giàng A Hải ở Si Ma Cai, người Mông có nhiều lễ hội nhưng Gầu tào là lễ hội hay nhất, mang tính lễ hội nhất, dù do một gia đình tổ chức nhưng thu hút cả dòng họ, đồng bào Mông trong vùng tham gia.