Cây nêu và ước nguyện người Mông

Khác với cây nêu trừ tà của người Kinh, cây nêu của người Mông mang ý nghĩa cầu phúc, cầu may. Đồng bào Mông dựng cây nêu trước phiên chợ cuối cùng trong năm như thông báo rằng Tết năm nay vùng ấy sẽ mở hội Gầu tào.

Là cây biểu tượng, cây thiêng nối trời và đất, nêu thường được dựng trước Tết, có nơi dựng vào ngày 25, nơi làm ngày 27 tháng Chạp, cũng có nơi chọn ngày Thìn hay ngày Tuất cuối cùng của năm. Đến ngày đã chọn, chủ nhà bày lễ để chủ lễ (thầy cúng) và người giúp việc tiến hành nghi thức cúng. Gia chủ mời chủ lễ uống rượu và sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài sây giể (xem bói) về lý do làm lễ Gầu tào. Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài sáy dìn sê (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến cây tre đã chọn. Cây tre làm nêu phải thẳng, đều dóng, cao 9 - 12m, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc. Khi tiến hành nghi lễ chặt tre, thầy cúng làm lễ và cầm ô che, vừa hát bài chía dìn sê (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát. Hết bài hát, người ta chặt tiếp sao cho tre đổ về hướng mặt trời mọc và có người đỡ để tre không chạm đất. Sau đó, thân tre được tỉa nhẵn, còn ngọn tre để nguyên cành lá. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài cứ dìn sê (vác cây nêu), mọi người mang cây nêu theo hướng gốc phía trước, ngọn phía sau, cây không được chạm đất và không nghỉ giữa đường.


Cây nêu được trồng ở giữa quả đồi thoai thoải hay một bãi đất cao, bằng phẳng, rộng rãi mà gia chủ chọn làm trung tâm lễ hội. Chủ lễ buộc lên ngọn nêu dải vải lanh hai màu đen và màu đỏ, một bầu rượu, các loại hạt như ba bông lúa nếp hoặc ba bắp ngô... tượng trưng cho tài lộc. Ts Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, khi dựng nêu, ngọn tre phải hướng về phía Đông, theo quan niệm của người Mông đó là hướng sinh, hướng của mặt trời - yếu tố quan trọng để được mùa.

Lễ cúng bên cây nêu diễn ra ngay buổi sáng hôm đó. Chủ lễ thắp hương, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài Tịnh chay (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu và ngày mở hội Gầu tào. Gầu tào theo tiếng Mông có nghĩa chơi núi (núi thiêng). Hội Gầu tào do một gia đình đứng ra tổ chức. Thường gia đình nào muốn cầu con, xin sức khỏe hay tài lộc; hay tạ ơn thần linh khi lời cầu khấn thành hiện thực, họ sẽ xin với làng mở Gầu tào. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai từ năm 1980 - 2011, riêng ở huyện Bắc Hà có 29 lễ hội được tổ chức, trong đó 28 lễ hội nhằm cầu con. Lễ Gầu tào diễn ra từ mồng 2 - 5, hoặc mồng 3 - 6 tháng Giêng, nhưng cây nêu được trồng trước phiên chợ cuối cùng trong năm, để mọi người đi chợ biết rằng năm nay vùng đó, làng đó sẽ mở hội và đến dự.

Cây nêu là trung tâm của lễ hội Gầu tào. Bắt đầu lễ hội, chủ lễ cúng trời đất, thần linh phù hộ cho gia chủ đạt được điều mong ước, sau đó đoàn người đi vòng quanh cây nêu và hát bài lễ. Ngoài ra, người dự hội có thể đến bên cây nêu để cầu xin thần linh. Sau nghi lễ là các hoạt động như biểu diễn và thi đấu khèn, cưỡi ngựa, đánh quay... Ngày hội cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, thi tài, vui chơi, gặp gỡ người yêu để bộc bạch tình cảm qua bài hát hay tiếng đàn môi. Khi lễ hội kết thúc, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn tổ tiên, trời đất, thần linh, xin phép hạ nêu. Cây nêu được mang vào nhà theo hướng gốc vào trước, gia chủ sẽ dựng phía sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con.

Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng dân tộc Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, Lào Cai gìn giữ từ xưa đến nay. Người Mông có truyền thống truyền tin qua dòng họ, khi diễn ra lễ hội Gầu tào ở Si Ma Cai, không chỉ người Mông ở các huyện của Lào Cai tham dự, mà còn có người Mông Nghệ An, hay người Mông tại các tỉnh của Trung Quốc. Qua trang phục và tiếng nói có thể biết họ ở vùng nào tới. Theo anh Giàng A Hải ở Si Ma Cai, người Mông có nhiều lễ hội nhưng Gầu tào là lễ hội hay nhất, mang tính lễ hội nhất, dù do một gia đình tổ chức nhưng thu hút cả dòng họ, đồng bào Mông trong vùng tham gia.

Văn hóa

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản
Văn hóa - Thể thao

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm độc đáo của công nghiệp văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải hiểu biết thấu đáo về truyền thống để giữ bản sắc nhưng vẫn mang lại nguồn lợi kinh tế.

Tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ nhân, diễn viên quần chúng Hà Nội tại liên hoan. Ảnh: HS
Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII

Sáng 16.11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII. Liên hoan nằm trong chuỗi hoạt động Tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024.

Làm sống lại ký ức nhân văn
Văn hóa

Làm sống lại ký ức nhân văn

Khả năng tái tạo hình ảnh sống động của công nghệ đang mở ra chân trời mới cho bảo tồn ký ức nhân văn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội đầy hứa hẹn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra thách thức không nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ sai lệch lịch sử và văn hóa.

Ban tổ chức chia sẻ thông tin về chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch tại làng Cựu, làng cổ 500 năm ở Hà Nội. Ảnh: BTC
Văn hóa - Thể thao

Làng Cựu dùng nghệ thuật làm du lịch

Ngày 15.11, UBND huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội, đã thông tin về chương trình "Làng Cựu - Thời trang, nghệ thuật và du lịch" (Cuu village show), dự kiến diễn ra ngày 21 - 22.12, tại làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên. Dịp này, ngôi làng sẽ được thắp sáng bằng công nghệ hiện đại để thu hút khách du lịch.