Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai nằm trên hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, thuộc chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc. Công trình được triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai là công trình có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay, với chiều dài 245km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Đây cũng là công trình có nhiều hộ dân phải di dời nhất. Chủ đầu tư phải xây dựng 99 khu tái định cư, áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17 nghìn hộ dân. Tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, suất đầu tư khoảng 6 triệu USD/km đường cao tốc - là suất đầu tư công trình giao thông thấp nhất hiện nay. |
Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh cho biết, đây là dự án lớn, triển khai trong điều kiện khó khăn. Trong suốt quá trình triển khai, từ huy động vốn thực hiện, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... và cả nhà thầu quốc tế cũng có một số hạn chế, vì vậy, kết quả hôm nay thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, giải pháp đồng bộ, tháo gỡ từng khó khăn. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải đã phối hợp với chủ đầu tư làm việc với Ngân hàng ADB – nhà tài trợ của dự án, để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; gặp lãnh đạo cao cấp của các nhà thầu, thúc đẩy thực hiện các cam kết...
Địa hình thi công hiểm trở, thiếu vốn thực hiện, nhà thầu yếu, công tác quản lý có một số hạn chế... khiến nhiều người lo ngại không thể hoàn thành được công trình này. Nhưng với những nỗ lực vượt bậc, tuyến đường cao tốc dài nhất nước ta đã hoàn thành. Từ thành công của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ông Mai Tuấn Anh cho rằng, công trình đã gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong mọi khâu, từ xây dựng kế hoạch tổng thể, lựa chọn và quản lý nhà thầu, giải phóng mặt bằng, phối hợp với địa phương...
Để chuẩn bị cho việc đưa tuyến đường vào khai thác, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời cũng đã làm việc với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ... để bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc.