Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tham dự có đại diện Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ban Dân nguyện; lãnh đạo Bộ Nội vụ; đại diện các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo UBND các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, tại Tờ trình này, Chính phủ đề nghị thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; thị trấn Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk; thị trấn Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; thị trấn Kim Long thuộc huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc và phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, các xã Vân Tùng, Pơng Drang, Hóa Thượng, Kim Long, Tam Hồng, Định Trung đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ; kinh tế tăng trưởng ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Trong đó, thị trấn Vân Tùng (tỉnh Bắc Kạn) và Hóa Thượng (tỉnh Thái Nguyên) được xác định là trung tâm huyện lỵ, phù hợp với chủ trương chung về việc rà soát, lập danh sách các huyện chưa có thị trấn huyện lỵ để có kế hoạch đầu tư phát triển đô thị giữ vai trò trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của huyện.
Đối với các tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH 13, Chính phủ nhận thấy, xã Vân Tùng (thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), xã Pơng Drang (thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), xã Hóa Thượng (thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), thị trấn Kim Long và Tam Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đều đạt 4/4 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các xã Kim Long, Tam Hồng dự kiến được nâng lên thành thị trấn đều là những địa phương phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, với tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân của huyện. Đặc biệt, xã Kim Long nằm ở phía đông của huyện Tam Dương, là nơi giao thoa giữa các khu vực phát triển công nghiệp và du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc; thời gian qua cũng đã được đầu tư trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đào tạo, thể dục, thể thao cảu huyện Tam Dương nói riêng, của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Việc sáp nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu hiện hành theo quy định của Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cần xem xét các tiêu chuẩn. Trong khi đó, việc sáp nhập xã Quân Chu sẽ giúp giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý địa giới hành chính, mở rộng không gian phát triển đô thị cho thị trấn Quân Chu hiện hành.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, hồ sơ các đề án đã bảo đảm theo đúng quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại mỗi hồ sơ Đề án đều gửi kèm theo dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 thị trấn và 1 phường của các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất cho rằng, việc thành lập 4 thị trấn, 1 phường trên cơ sở nguyên trạng các xã của các tỉnh được Chính phủ đề nghị lần này, cũng như việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ phân loại đô thị kèm theo các Đề án của Chính phủ, một số ý kiến nhấn mạnh, các thị trấn và phường dự kiến được thành lập dù đã được công nhận loại đô thị đạt tiêu chuẩn theo quy định, song vẫn còn một số tiêu chuẩn thành phần chưa đạt điểm tối thiểu. Một số ý kiến này đề nghị, chính quyền địa phương các tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp ưu tiên, tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để nâng cao chất lượng đô thị, đáp ứng các yêu cầu đã được đặt ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về nội dung này.
Tiếp đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đã giải trình về những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến tại Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Pháp luật đều tán thành với việc thành lập 4 thị trấn, 1 phường trên cơ sở nguyên trạng các xã của 4 tỉnh Bắc Kạn, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, và việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, sau phiên họp này, Chính phủ, Bộ ngành và một số địa phương cần tiếp tục rà soát, báo cáo làm rõ thêm một số nội dung được Thường trực Ủy ban đề cập trong Báo cáo kết quả nghiên cứu các Đề án được Chính phủ trình; kịp thời hoàn thiện để báo cáo giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các tỉnh cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và kịp thời ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được thông qua.