Nhiều mô hình hay hướng về cơ sở
Từ thực tiễn khảo sát công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Sơn cho biết, đã có 8 hình thức được các địa phương và chủ thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến sử dụng. Trong đó, có 3 hình thức được sử dụng nhiều nhất: Loa truyền thanh, họp dân, lồng ghép qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Bên cạnh đó là các hình thức như: Tư vấn pháp luật, tư vấn thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại chính sách pháp luật trong Nhân dân; phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội nghị tuyên truyền ở khu dân cư, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật… cũng được thực hiện. "Có thể nhận thấy, với địa bàn dân tộc thiểu số, biên giới, các hình thức PBGDPL trực tiếp vẫn đang được sử dụng và là phương thức chính”.
Tuy nhiên, thực tế tiếp xúc với Nhân dân trên địa bàn biên giới phía Bắc, ông Sơn nhìn nhận, công tác PBGDPL lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, cơ bản là việc tuyên truyền chưa gắn với thực tế; người thực hiện chưa hiểu phong tục, tập quán, quy ước của các dân tộc thiểu số, tại địa phương; tuyên truyền, phổ biến chưa phù hợp, không phong phú, còn qua loa, hình thức...
Tại Hội thảo, góp ý kiến nhằm khắc phục các hạn chế trên, đồng thời tìm kiếm các giải pháp trong việc PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, đại diện Vụ Văn hóa dân tộc đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình kết hợp với các đồn biên phòng, tổ chức các chương trình giao lưu, sống cùng bà con. Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Trần Thị Bích Huyền cho biết, Vụ đã từng xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, đưa văn hóa về cơ sở, thông qua các hình thức kết hợp với bộ đội biên phòng tuyên truyền trực tiếp.
“Đối với bà con, nội dung tuyên truyền không nên hàn lâm, chỉ cần nói trúng và đúng; cần nghiên cứu cách làm đơn giản, không quá cầu kỳ. Đặc biệt, dù sáng tạo đến đâu song phải hiểu phong tục tập quán của mỗi dân tộc, ăn cùng dân, ở cùng dân, hiểu dân, thì hiệu quả tuyên truyền mới cao. Với hương ước, quy ước cũng phải đúng pháp luật, đúng tâm tư nguyện vọng của bà con”, bà Huyền nói.
Đại diện Cục Văn hóa cơ sở, bà Vũ Phạm Thanh Hương cũng cho rằng, do đây là vùng giáp biên, rất cần giáo dục pháp luật; bên cạnh việc hiểu phong tục tập quán thì phải biết tiếng nói dân tộc. “Có 3 hình thức chúng tôi sử dụng là tuyên truyền miệng, cổ động trực quan và văn nghệ. Trong đó, với hình thức văn nghệ, chúng tôi sử dụng cả tuyên truyền miệng và cổ động trực quan. Các loại hình nghệ thuật được thực hiện theo phương châm 3 gọn: Gọn về biên chế, gọn về tổ chức và gọn về trang thiết bị biểu diễn”.
Tùy đặc thù của từng địa phương, công tác PBGDPL cần có phương thức phù hợp. Chánh văn phòng Cục Điện ảnh Đặng Văn Hào chia sẻ, trong 5 năm qua, ông đã từng đi 6-7 tỉnh miền núi phía Bắc. “Nơi đây, đồng bào sống thưa thớt, rải rác và nhiều nơi không có điện lưới quốc gia. Đoàn chiếu bóng lưu động của chúng tôi đã lên kế hoạch, ngoài thời gian chiếu phim sẽ dành 5 - 10 phút phổ biến pháp luật và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, tại mỗi địa phương phải nghiên cứu nội dung và phương thức phù hợp như: Tuyên truyền thực hiện song song ngôn ngữ phổ thông và tiếng của đồng bào; xây dựng các tiểu phẩm ngắn 5 - 7 phút với nội dung đi sâu vào vấn đề cụ thể, để người dân nơi đó không vi phạm...”.
Tuyên truyền đúng đối tượng và mục đích
Theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Hoa Hữu Vân, lâu nay chúng ta cứ cung cấp các tài liệu tiếng phổ thông mà không hiểu các tài liệu này có phù hợp với đồng bào hay không. Bên cạnh đó, các bộ phim chiếu theo chương trình, theo đợt, đến địa phương nào cũng vẫn đúng bộ phim đó, mà không hiểu đồng bào mỗi dân tộc, mỗi vùng một suy nghĩ khác, sở thích khác nhau… “Đổi mới gì thì đổi mới, song phải tiến tới truyền đạt đúng đối tượng và mục đích, nói đúng điều đồng bào muốn, đúng điều đồng bào cần”, ông Vân chia sẻ.
Hội thảo này nhằm hoàn thiện đề tài “Giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Pháp chế thực hiện. Để triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát công tác PBGDPL tại 3 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai với tổng số 505 người, thời gian từ tháng 12.2022 đến tháng 3.2023. Theo thống kê, 7 tỉnh biên giới hiện có 29 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân số khoảng 5,6 triệu người.
Nói thêm về hiệu quả quá trình PBGDPL qua hoạt động chiếu phim lưu động, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh lưu ý qua thực tế tại Sa Pa, Lào Cai: "Chúng tôi phải đi một ngày mới tới một bản, tại đây cũng chỉ chiếu được 2 buổi tối lại về; nhiều đồng bào phải đi từ trưa đến tối mới đến được điểm xem phim, đó là chưa nói một số bộ phim nước ngoài không được đồng bào đón nhận. Vì vậy, theo tôi nên có kế hoạch hàng năm để mục đích tuyên truyền sát với nhu cầu, cuộc sống đồng bào; cũng cần phổ biến cho cả khu vực xung quanh vùng đồng bào sinh sống”.
Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện phía Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý, nội dung và hình thức mỗi buổi tuyên truyền, tập huấn nên cần thiết dành cho đối tượng của chính thôn, bản xã ấy, khi tuyên truyền thì chọn lọc tài liệu, dịch ra tiếng của đồng bào, chiếu phim cũng vậy. Không phải văn hóa vùng nào cũng giống nhau, phải gần gũi với nơi đó; mềm hóa quy định của pháp luật bằng các câu chuyện, các tình tiết cụ thể, các tình huống, minh họa thực tiễn; bám sát nội dung từ tâm cảm người cần truyền đạt…