Mục tiêu cao, quyết tâm cao
Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua với 100% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp là mục tiêu tổng quan đầu tiên cho năm 2022 được Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh. Nghị quyết cũng xác định, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Dù trong quá trình thảo luận về nội dung này, cũng có một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, mức tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khá cao, khó hoàn thành. Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 khoảng 5 - 5,5% được cho là hợp lý hơn. Tuy nhiên, tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP khoảng 6 - 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%...
Lý giải cho việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức cao, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (tăng khoảng 2% so với năm 2020), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6 - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ phục hồi kinh tế, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid - 19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2022.
Đánh giá về mục tiêu này, đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong (An Giang) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng cho năm 2022 là khá tham vọng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cũng như một số điều kiện nhất định. Trong đó, điều kiện quan trọng là thế giới đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, không gây gián đoạn, đứt gãy sản xuất, kinh doanh. Bởi, theo đại biểu Đôn Tuấn Phong, với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta, việc gián đoạn, đứt gãy sản xuất trên thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta.
Khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Dù mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 khá là tham vọng trong bối cảnh hiện nay, nhưng nhìn lại ba đợt suy thoái kinh tế vào các năm 1997 - 2000, 2008 - 2011 và sau đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19, thì mức tăng trưởng hiện nay là thấp nhất (theo báo cáo Chính phủ tăng trưởng năm 2021 khoảng 2%). Ở lần suy thoái này, theo một số chuyên gia, nước ta khó có khả năng phục hồi nhanh, bật tăng theo mô hình chữ V, khi đại dịch còn bất định, khả năng mở cửa hoàn toàn trở lại còn chưa chắc chắn.
Nếu để tăng trưởng tự nhiên (theo các chuyên gia GDP năm 2022 có thể đạt mức 5%), thì tăng trưởng trung bình của 2 năm đầu giai đoạn 2021 - 2025 chỉ khoảng 3,5%. Đây được cho là mức tăng trưởng quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn phát triển 5 năm này. Và, như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng, trong 4 năm còn lại, GDP phải tăng trung bình khoảng 7,5%/năm - là mục tiêu rất cao đòi hỏi những hành động khác biệt.
Mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và xa hơn là mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết liệt ngay từ bây giờ, cả về tư duy và hành động. Do vậy, trên cơ sở đánh giá sâu sắc tình hình thực tế và những kinh nghiệm thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2008 - 2009, trong năm 2021, tại Nghị quyết của Quốc hội đã xác định, cần khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tất nhiên, Chương trình này sẽ phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả với Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid - 19 (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định). Đồng thời, đáp ứng một số yêu cầu khác như: phải triển khai các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, song phải giám sát chặt chẽ và kiểm soát việc phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết của Quốc hội đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cơ bản của năm 2022 (trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP). Khi Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay, rõ ràng Chính phủ cần sớm chuyển hóa thành những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, và đặc biệt cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác thực thi. Có như vậy, tổ chức thực thi mới không còn là khâu yếu như đánh giá bấy lâu nay, bảo đảm các mục tiêu, giải pháp xác định trong Nghị quyết của Quốc hội sớm phát huy tác dụng trong thực tế cuộc sống như mục tiêu và kỳ vọng.