TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, ĐBQH Khóa IX, XII, XII:
Xây dựng “cứ điểm nông - công nghiệp” để nâng cao giá trị nông sản
Trước hết, chúng ta thấy Đảng, Nhà nước đã có những giải pháp chính sách tương xứng với vị trí, vai trò của ĐBSCL.
Trong đó, Quyết định 287/QĐ-TT của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định: Phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; và đặc biệt là vai trò trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, ĐBSCL dựa trên 3 trụ cột là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên quy hoạch theo 3 tiểu vùng sinh thái: vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng; vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển; vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng.
Hội thảo hôm nay bàn về tín dụng nhưng tôi muốn nhìn tổng thể các thách thức của ĐBSCL hiện nay. Thứ nhất, thách thức của vùng là về hạ tầng giao thông kết nối đường bộ, đường thủy, đường biển, đặc biệt là chi phí logistics rất cao . Tiếp đến là rủi ro về biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai và rủi ro về giá cả, thị trường, tỷ giá. Ngoài ra còn khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhân lực và đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp…
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp phải trên nền tảng công nghiệp chế biến, xây dựng liên kết chuỗi giá trị chứ không phải chỉ có nông sản – thì đây cũng là một thách thức của ĐBSCL. Tôi đang đề xuất Cần Thơ, nên phát triển nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ thành “cứ điểm công - nông nghiệp”, bắt đầu bằng công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp.
Đặc biệt, ở các nước, nông nghiệp nông thôn không dựa thuần túy vào ngân hàng thương mại mà có định chế tín dụng vi mô, hợp tác xã chia sẻ. Nhưng ở Việt Nam, tín dụng hiện đều trông chờ vào ngân hàng thương mại - đây là bài toán chúng ta phải tính về lâu dài và tổng thể.
Trước mắt, để thúc đẩy tín dụng cho nông sản chủ lực ĐBSCL, cần xác định không chỉ các mặt hàng lúa gạo, thủy sản, trái cây là đối tượng của tín dụng mà phải bao gồm cả khâu thu hoạch, thu mua, lưu trữ, bảo quản, chế biến và bao trùm tới cả hộ sản xuất chứ không dừng lại ở doanh nghiệp, hợp tác xã.
Chúng ta cũng cần bàn thêm về việc xây dựng một chương trình quốc gia bao gồm miễn giảm lãi suất, kéo dài thời hạn trả nợ. Đồng thời, xây dựng định chế bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng thông tin cảnh báo rủi ro; khuyến khích, hỗ trợ tư nhân đầu tư hạ tầng kho bãi, bảo quản nông sản theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Cùng với đó, phát triển các “cứ điểm công - nông nghiệp” theo quy mô vùng, như mô hình Thái Lan đã rất thành công, nhằm nâng cao giá trị nông sản; phải bắt đầu từ chế biến để tính toán vùng nguyên liệu và hệ thống logistics đi theo.
Có lẽ vấn đề của ta không phải là bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp, nông dân tiếp cận được vốn mà là về tổ chức sản xuất cho phù hợp, như tôi đã nhiều lần phát biểu ở Quốc hội.
Thời gian qua, NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực thúc đẩy tín dụng cho ĐBSCL nhưng nhiều vấn đề còn đang ở phía trước. Tới đây, NHNN cần đa dạng hóa các hình thức tín dụng, ví dụ tín dụng vi mô, để phát triển bền vững tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.