Phát biểu tại lễ khánh thành, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải bày tỏ niềm vinh dự của nhà trường khi tổ chức lễ khánh thành công trình trong không khí phấn khởi, tự hào hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - dấu mốc lịch sử thiêng liêng của dân tộc. Đồng thời, khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ với riêng nhà trường mà còn với ngành giáo dục và đào tạo nước nhà.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết, trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Giao thông vận tải đã không ngừng khẳng định vị thế là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đầu ngành về giao thông vận tải tại Việt Nam. Từ mái trường này, hàng trăm nghìn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp và trong đó có nhiều cựu sinh viên hiện đang đảm nhận các vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực then chốt của đất nước.


Với định hướng trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu, Trường Đại học Giao thông vận tải đang từng bước mở rộng lĩnh vực đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đồng thời giữ vững cam kết trách nhiệm xã hội với sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải của đất nước.
Theo đó, tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 27.2.2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Trường Đại học Giao thông vận tải trở thành một trong năm cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về kỹ thuật và công nghệ, là trường duy nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải và được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Dự án tòa nhà trung tâm điều hành và làm việc của cán bộ giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải đã được triển khai thi công từ tháng 1 năm 2023 với quy mô 15 tầng nổi, 2 tầng hầm trên diện tích xây dựng 965 m2 với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Dự án có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đối ứng của nhà trường.

Dự án có sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, với sự nỗ lực của chủ đầu tư - Trường Đại học Giao thông vận tải, đơn vị ủy thác quản lý dự án - Ban Quản lý các dự án Bộ GD-ĐT, đơn vị Tư vấn giám sát - Công ty cổ phần Quản lý dự án và phát triển công nghệ xây dựng và các nhà thầu thi công - Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần cơ điện Grand M&E, Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp điện.
Dự án đã trải qua nhiều khó khăn, trên diện tích thi công chật hẹp trong khuôn viên nhà trường và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng với tinh thần thi công “vượt nắng, thắng mưa”, công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
“Đây là một dự án trọng điểm của nhà trường, làm thay đổi căn bản và toàn diện điều kiện làm việc của cán bộ giảng viên, đáp ứng diện tích làm việc trung bình 10 m2/1 giảng viên với nhiều trang thiết bị làm việc hiện đại, đảm bảo mỗi giảng viên có chỗ làm việc riêng để tập trung vào công tác đào tạo, nghiên cứu và bồi dưỡng chuyên môn. Đây sẽ là động lực để các cán bộ, giảng viên tập trung nguồn lực cống hiến cho sự phát triển của nhà trường, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng tới Ban lãnh đạo, tập thể cán bộ, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải bởi trong điều kiện cơ sở vật chất của các trường đại học còn eo hẹp đã tận dụng được những đầu tư của Nhà nước và tiến hành xây dựng một công trình rất đẹp, hiện đại.

Theo Bộ trưởng, trong suốt thời gian qua, Trường Đại học Giao thông Vận tải luôn là một trong các đơn vị rất tích cực trong công tác hấp thụ đầu tư, giải ngân để chuyển hóa nguồn lực đầu tư thành các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng biểu dương nhà trường đã rất nỗ lực và luôn được xem là hình mẫu đối với các trường đại học khác về lĩnh vực đầu tư.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian sắp tới, Trường Đại học Giao thông Vận tải đứng trước rất nhiều cơ hội trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước ở lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Có nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội đặt ra phía trước.
Với sự tăng cường cơ sở vật chất, Bộ trưởng mong nhà trường có thêm điều kiện để có thể thực hiện tốt nhất các trách nhiệm lớn, sứ mệnh của mình đối với ngành giáo dục và đất nước. Đồng thời, mong muốn nhà trường nhanh chóng hoàn thiện các điều kiện hoạt động để có thể khai thác tốt nhất và đưa vào vận hành tòa nhà này một cách đầy đủ, trong thời gian ngắn nhất sắp tới.
“Với tòa nhà bên ngoài rất đồ sộ và đẹp như thế này, tôi cũng mong rằng ở bên trong mọi thứ phải tương xứng. Phương diện quản trị cũng phải đẹp đẽ, thông minh, đồng bộ, hiện đại. Rất mong muốn nhà trường sẽ phát huy, đi cùng với cơ sở vật chất và hạ tầng hiện đại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Được biết, công trình tòa nhà trung tâm điều hành và làm việc của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng, thời gian thi công từ ngày 7.1.2023 đến 27.10.2024.
Quy mô dự án là phá dỡ công trình cũ, xây dựng mới toà nhà trung tâm điều hành và làm việc của cán bộ giảng viên trên lô đất có diện tích 1,844m2, gồm khối nhà chính cao 15 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn 16,427m2 cùng các thiết bị đồng bộ cho toà nhà.
Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo; nhằm nâng cao cơ sở vật chất, cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho giảng viên và công tác điều hành góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Trường Đại học Giao thông vận tải.