Sự kiện do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Sự kiện nhằm lan toả tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; hình thành văn hoá khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục; thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Ngày hội Khởi nghiệp năm nay cũng nhằm tổng kết 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; đề xuất giải pháp, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên giai đoạn tiếp theo.

Nhiều dự án khởi nghiệp mang tính ứng dụng công nghệ mới
Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2025, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức với các hoạt động chính: Hội nghị tổng kết đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên.
Cùng với đó là các hội thảo, diễn đàn: Hội thảo “Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Hội thảo “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số”; Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn, nghề nghiệp, việc làm”; Diễn đàn “Cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân”; Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII (SV.STARTUP lần thứ VII); Hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự Ngày hội; Tham quan không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII năm 2025 được phát động từ tháng 12.2024. Sau 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục phổ thông. Sau vòng bán kết, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 125 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết cuộc thi.
Bộ GD-ĐT đánh giá đây là năm đầu tiên cuộc thi có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Số lượng học sinh cấp trung học cơ sở tham gia năm nay tăng so với các cuộc thi trước.

Dự án của khối sinh viên các cơ sở đào tạo mang tính ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data và công nghệ AI. Có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu thành công, nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi và các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Ban Giám khảo, Hội đồng đầu tư năm nay là các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân uy tín. Cuộc thi không chỉ mang lại cơ hội để học sinh, sinh viên được thể hiện đam mê, hiểu biết, tinh thần khởi nghiệp mà còn giúp các dự án khởi nghiệp này tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế.

Trung bình mỗi năm có 7.100 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên
Trước đó, ngày 30.10.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665). Sau 7 năm triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Đề án 1665 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; các kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Từ năm 2020 - 2024, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808 dự án, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS, THPT là 8.700 dự án, tính trung bình mỗi năm có 1.465 dự án.
Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 doanh nghiệp, số vốn lớn nhất là 1 tỷ đồng/dự án.
100% các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 90% học sinh THPT, sinh viên đại học, cao đẳng được tuyên truyền, giáo dục, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp sau 5 năm tốt nghiệp tiếp tục duy trì ở mức 8%.
Số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, với tối thiểu 2 tín chỉ/môn học đạt 58%, trong đó có một số trường cao đẳng sư phạm đã đưa khởi nghiệp thành môn học tự chọn dành cho sinh viên. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.
Đến năm 2024, có 60% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; có 110 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh sinh viên, tăng 20 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Có khoảng 50 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng 5 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Đã có 10 cơ sở đào tạo đã thành lập được các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó đa phần là để hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm.
Trong 7 năm thực hiện Đề án 1665, có hơn 2.100 cán bộ giảng viên và gần 10.000 học sinh, sinh viên được các nhà trường tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích cho các hoạt động khởi nghiệp.

Chất lượng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ngày càng tốt hơn
Triển khai Đề án 1665, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT tổ chức Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) và cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.
Sau 7 lần tổ chức, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã nhận được gần 2.239 dự án đến từ các cơ sở giáo dục đại học; 4.598 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp và hơn 1.299 dự án đến từ các trường THPT, THCS.
Trong đó, 80% các dự án đã có sản phẩm và 20% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong số các dự án đoạt giải của cuộc thi, đã có những dự án nhận được đầu tư từ Nhà nước và được triển khai sản xuất tại một số địa phương.
Tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng rãi trong toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 50% đại học, học viện, trường đại học đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường. Hàng năm, mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi.
100% Sở GD-ĐT có học sinh tham gia cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp; một số địa phương đã tổ chức được các cuộc thi riêng với số lượng dự án ý tưởng lớn.
Thông qua cuộc thi, có thêm nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm, kết nối đầu tư các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi. Sau khi kết thúc cuộc thi, các dự án đạt giải cao tiếp tục được ươm tạo để trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các dự án khả thi cũng được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.