Hơn 80 tác phẩm với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic, điêu khắc và sắp đặt của 28 tác giả được thể hiện với nhiều phong cách.
Chất liệu sơn dầu và acrylic chiếm số lượng đáng kể các tác phẩm trong triển lãm. Nếu tranh của Nguyễn Lâm, Lê Tuyết Nhung và Nguyễn Thị Hồng là cảnh miền núi êm đềm thì tranh của Trần Thị Thanh Hòa, Trần Hữu Dũng lại là không khí lễ hội tưng bừng rộn rã hay hình ảnh các thiếu nữ áo dài trong vườn hoa đầy sắc hương.
Họa sĩ Phan Thị Thanh Mai tham gia triển lãm với 6 tác phẩm sơn mài thể hiện vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam và tình mẫu tử. Tranh của bà về tình mẫu tử từng đạt giải thưởng đặc biệt trong triển lãm nghệ thuật quốc tế của Hội Mỹ thuật Seoul Hàn Quốc năm 2019.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ, còn tranh của Phạm Hoài và Vũ Minh xoay quanh chủ đề hoa sen và đức Phật. Người xem bắt gặp nét vẽ nhiều năng lượng trong loạt tranh trừu tượng của họa sĩ Tấn Đạt.
Tranh sơn mài là một chất liệu truyền thống của Việt Nam. Chất liệu này được nhiều họa sĩ sử dụng, trong đó có các họa sĩ trẻ Khánh Hạnh, Hữu Minh..
Góp mặt tại triển lãm với 4 tác phẩm hội họa “Liên Long”, “Phượng vũ”, “Thanh bình” và “Nút thắt cát tường”, họa sĩ Lê Thu Huyền cho biết, các tác phẩm đều hướng đến sự bình yên, vui vẻ, như một lời chúc mừng năm mới hạnh phúc, an lạc đến mọi người, mọi nhà.
“Là người thường xuyên tham gia các hoạt động vì cộng đồng, tôi thường có mặt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để hỗ trợ những người kém may mắn. Tôi thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn mà nhiều đồng bào gặp phải, nên những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này đều có chung thông điệp, mong muốn mọi người có cuộc sống tốt đẹp, bình yên trong năm mới. Rất vui là tác phẩm “Long Liên” với hình ảnh con rồng ẩn mình trong đầm sen đầy sắc màu được thể hiện kỳ công nhất, đã có người sưu tầm. Đây cũng cơ hội để tôi tham gia hoạt động gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn thời gian tới”, họa sĩ Lê Thu Huyền chia sẻ.