Thẳng thắn mà nói, thực tiễn dự án BOT, BT kém hiệu quả thời gian qua một phần do chúng ta dựa quá nhiều vào sự mẫn cán, không vụ lợi và khả năng chuyên môn của các “cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Các chuyên gia cơ sở hạ tầng thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, khu vực tư nhân chưa mặn mà với PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) một phần do thiếu các dự án chất lượng. Việc thiếu dự án PPP chất lượng lại xuất phát từ năng lực yếu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền - cụ thể, họ thường thiếu khả năng dự báo và cấu trúc hợp đồng PPP để nhà đầu tư có thể tham gia dễ dàng hơn, trong khi đây là một yêu cầu quan trọng bởi các dự án PPP mang tính chất dài hạn và đi kèm với chi phí giao dịch lớn.
Đại diện một công ty tư vấn luật tại Việt Nam cũng phản ánh rằng dữ liệu thu thập được qua các cuộc khảo sát để xây dựng dự án PPP là có vấn đề, dẫn đến nhiều dự án bị giảm vốn đầu tư và do đó ảnh hưởng đến phương án tài chính và phải ký lại hợp đồng. Ngoài việc điều chỉnh giảm đầu tư, rất nhiều dự án còn phải đối mặt với tình trạng thua lỗ và nguy cơ phá sản do dữ liệu khảo sát không chính xác trong các tài liệu dự án.
Theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, trong trường hợp cần thiết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chọn các tổ chức tư vấn độc lập để hỗ trợ triển khai một số nhiệm vụ. Ngoài ra, khi cần, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thuê một tổ chức tư vấn có năng lực để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nhất định. Dù vậy trên thực tế việc thuê này không phổ biến, do quá trình phân bổ ngân sách dành cho mua sắm và chi trả cho các tổ chức tư vấn thường rất tốn thời gian hoặc vượt quá khả năng chi trả của Chính phủ.
Sắp tới, nếu muốn triển khai PPP thành công, Chính phủ sẽ cần phải thuê tư vấn quốc tế có uy tín về tài chính, pháp lý và kỹ thuật; đồng thời bảo đảm có đủ ngân sách và ý chí chính trị để thực hiện. Thực tế này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có cơ quan xây dựng dự án PPP chuyên trách như cách nhiều nước đã làm và gặt hái thành công, trong đó Philippines.
Cơ quan phát triển dự án PPP của Philippines hoạt động như một “trung tâm khảo thí”, giúp chủ đầu tư “ra đề bài”, “chấm bài” theo chuẩn quốc tế. Trung tâm này thành lập từ năm 2010 và đã hỗ trợ xây dựng đề thi, chấm thi cho 38 dự án với tổng giá trị hàng tỷ USD. Toàn bộ chi phí ra đề và chấm thi với từng dự án sẽ được nhà đầu tư thắng thầu hoàn trả. Nhà nước chỉ phải bỏ một lượng vốn rất ít và một số nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á, Australia hỗ trợ Philippines cấp vốn cho cơ quan này. Cơ quan phát triển dự án PPP của Philippines có mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để biết thị trường cần gì và Nhà nước có gì; từ đó ghép nối và đưa ra các dự án có chất lượng đúng nhu cầu của thị trường, tăng khả năng thành công và triển khai dự án.
Dự thảo Luật PPP dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ Chín, khai mạc ngày mai (20.5), là cơ hội để chúng ta thu hẹp khoảng cách và tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư PPP. Và khi chúng ta còn đang loay hoay với nhiều vấn đề sự vụ trong dự thảo Luật như trần bảo lãnh, quy mô dự án… thì đối thủ cạnh tranh đang tận dụng “trung tâm khảo thí PPP” để thu hút đầu tư. Vậy thì tại sao chúng ta không nghĩ đến việc thành lập một “trung tâm khảo thí PPP" của Việt Nam trước thực tế việc “ra đề, chấm thi” trong các dự án PPP còn quá nhiều bất cập như thời gian qua?