Các quy định và mục tiêu chính
Luật Tổ chức kinh tế tập thể nông thôn, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.5.2025, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các hợp tác xã nông thôn, trao cho nông dân quyền kiểm soát lớn hơn đối với các tổ chức trên. Trong khi tất cả đất nông nghiệp ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước, nông dân có truyền thống thực hiện quyền thuê đất dài hạn thông qua tập thể. Tuy nhiên, những hợp tác xã này thường bị chỉ trích vì không đại diện đầy đủ cho lợi ích của họ.
Vì thế, luật mới ra đời giúp bảo đảm quyền của cả hợp tác xã lẫn các thành viên đều được bảo vệ, đồng thời khuyến khích các biện pháp tài chính và thuế để tăng cường phát triển kinh tế tập thể nông thôn. Về lý thuyết, người dân nông thôn có thể đưa ra quyết định về việc bán hoặc phát triển đất, nhưng trên thực tế, những quyết định đó thường lại do các quan chức đưa ra. Nhiều khi do ưu tiên thu hút đầu tư hoặc các lợi ích kinh tế khác, các quan chức đã không quan tâm đầy đủ đến mong muốn của nông dân. Vì thế, nông dân thường phàn nàn, hệ thống hiện tại trao cho các quan chức quá nhiều quyền lực trong việc thu hồi đất, dẫn đến nhiều trường hợp đất đai bị thu hồi mà không được bồi thường hoặc được đền bù rất ít. Trong khi đó, trên thực tế, những tranh chấp liên quan đến thu hồi đất có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Vì thế, luật mới cam kết thay đổi thực trạng này bằng cách tăng cường quyền ra quyết định cho nông dân, bảo vệ quyền lợi và trao cho họ nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các hợp tác xã.
Cụ thể, luật giảm sự can thiệp quá mức của nhà nước bằng cách hạn chế quyền lực của các quan chức trong việc đưa ra các quyết định đơn phương về sử dụng đất. Nó bảo đảm mọi giao dịch đất đai đều được thực hiện công bằng, minh bạch, với mức bồi thường thỏa đáng cho nông dân.
Được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào sự ổn định và phát triển của các vùng nông thôn Trung Quốc, luật mới được ban hành nhấn mạnh cam kết của chính quyền Bắc Kinh trong việc giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt và cải thiện sinh kế của nông dân.
Bước vào giai đoạn “hồi sinh nông thôn”
Luật Tổ chức kinh tế tập thể nông thôn là một phần trong chiến lược tái thiết nông thôn mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện từ năm 2017 để giải quyết tình trạng mất cân bằng giữa nông thôn và thành thị. Chiến lược này bao gồm nhiều sáng kiến về phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở khu vực nông thôn…
Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc xây dựng, nâng cấp đường, cầu và mạng lưới giao thông để bảo đảm kết nối tốt hơn giữa khu vực nông thôn và thành thị. Tăng cường áp dụng các công nghệ và phương pháp canh tác tiên tiến như cơ giới hóa, sử dụng các giống cây trồng có năng suất cao và thực hiện các kỹ thuật canh tác bền vững. Mục tiêu là tăng năng suất, hiệu quả nông nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường
Ngoài ra, để đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn, Chính phủ cũng khuyến thích phát triển các ngành như chế biến thực phẩm, du lịch và thương mại điện tử. Điều này cung cấp nguồn thu nhập thay thế cho người dân nông thôn, giảm sự phụ thuộc vào canh tác truyền thống.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ tài chính, giáo dục sức khỏe và cơ hội việc làm để giúp người dân nông thôn thoát nghèo. Chính phủ đang đầu tư mạnh vào các trường học và cơ sở chăm sóc sức khỏe ở nông thôn để bảo đảm người dân được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng.
Từ năm 2017 đến 2021, chiến lược tái thiết nông thôn đã giúp Trung Quốc hoàn thành thắng lợi giai đoạn “chống đói nghèo” để bước vào giai đoạn “hồi sinh nông thôn”. Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ và đầu tư của Chính phủ, đến nay, làn sóng dịch chuyển dân cư ở Trung Quốc có xu hướng đảo ngược, khi ngày càng có nhiều “nông dân mới” - chủ yếu là thanh niên có học vấn cao, nhiều ý tưởng và kỹ năng mới, bắt đầu chuyển từ thành phố về nông thôn. Đầu tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố tài liệu nhằm thúc đẩy toàn diện quá trình “hồi sinh nông thôn”, kêu gọi tăng cường vai trò của phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, tỷ lệ đóng góp của khoa học, công nghệ vào nông nghiệp nước này đạt 62,4% vào năm 2022. Nhờ đó, năm 2023, Trung Quốc đạt sản lượng ngũ cốc trên 650 triệu tấn, đánh dấu mức tăng trong 9 năm liên tiếp.