Bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm
Thời gian qua, điều dễ nhận thấy đối với chính sách bảo hiểm thất nghiệp chính là đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người lao động thất nghiệp.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 889.011 người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 (688.972 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 879.557 người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021 (678.247 người).
Vì vậy, khi đề cập đến vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Khi xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt.
Đến nay, tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.892.271 lượt người, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021 (1.512.208 lượt người) 1.986.346 lượt người tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021 (1.579.654 lượt người); Số người được hỗ trợ học nghề là 19.526 người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021 (16.185 người).
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, trong những năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động còn được hỗ trợ học nghề. Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm.
Bảo đảm để bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, khi xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt.
Cụ thể như trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mọi người dân đều phải hạn chế ra đường. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là ở những tỉnh, thành lớn và tập trung nhiều người lao động như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… vẫn có hàng trăm nghìn người thất nghiệp đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới.
Các cán bộ tiếp nhận giải quyết chính sách này phải rất nỗ lực làm việc để giải quyết quyền lợi cho người lao động… Bên cạnh đó, còn có hàng triệu người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.
“Có thể thấy, vai trò của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở tất cả các nước trên thế giới, cả về mặt lý luận và thực tiễn, đều đã khẳng định rõ không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro, mà quan trọng hơn là còn phải hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Hơn 10 năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta đã làm tốt việc chi trả, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, nhưng để đáp ứng được yêu cầu đề ra vẫn còn nhiều việc phải làm" - Ông Bình nói.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, việc trước mắt là sửa Luật Việc làm với 4 nhóm chính sách lớn, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, trong đó, nhóm chính sách thứ hai là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp làm công cụ quản trị thị trường lao động. Luật sửa đổi, bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.