Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Nguyễn Đức Dũng cho rằng, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức lớn như xung đột địa chính trị, áp lực lạm phát kéo dài, lan rộng cùng với suy giảm kinh tế do đại dịch Covid-19… Những yếu tố này có tác động lớn, kéo dài tới tăng trưởng kinh tế và phản ứng chính sách của phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo Hội thảo quốc tế “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023 với mục tiêu đưa các kiến thức và giá trị thực tiễn của thị trường giao dịch hàng hoá đến với doanh nghiệp và nhà đầu tư…
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng đã nỗ lực thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, thành viên một số hiệp hội ngành hàng về hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa, về các lĩnh vực năng lượng, nông sản và coi đó là một trong những kênh góp phần vào các công cụ bảo hiểm trong các giao dịch hàng hóa, cũng như một kênh đầu tư… Vì vậy, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, biến động của thị trường, nhưng năm 2022, tổng giao dịch của MXV vẫn tăng trưởng 36% và quý I năm 2023.
“Tiềm năng về thị trường hàng hóa, những giao dịch tái sinh tại Việt Nam cũng rất lớn, đặc biệt, trong lĩnh vực về năng lượng và nông sản. Đây là những mặt hàng hiện nay, Sở giao dịch hàng hóa các nước cũng như MXV đang có những thay đổi giao dịch rất tích cực”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của CME Group đều đưa ra dự báo, giá hàng hóa nguyên liệu sẽ tiếp tục biến động mạnh, khó lường trong những tháng còn lại của năm 2023. Kể từ đầu năm 2023, giá dầu thế giới liên tục có diễn biến thất thường. Cụ thể, sau khi đạt mức đỉnh 83,38 USD/thùng vào ngày 12.4, giá dầu WTI đã liên tục suy yếu, và tạo mức đáy mới ở 63,57 USD/thùng vào ngày 4.5 vừa qua, tương đương mức giảm 23% trong vòng một tháng… Mặt khác, chỉ số MXV-Index, chỉ số thể hiện sự biến động của 31 mặt hàng đang giao dịch tại Việt Nam đã giảm hơn 10% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản và năng lượng là các mặt hàng giảm giá mạnh nhất, lần lượt giảm 13% và 17%...
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế cấp cao, Giám đốc điều hành CME Group Eric Norland dự báo, dù bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến số, chủ yếu đến từ triển vọng kinh tế của Mỹ và tốc độ hồi phục của Trung Quốc. Trong đó, tỷ lệ lạm phát đang gia tăng gây khó khăn cho vốn hoá thị trường và tăng trưởng kinh tế… Vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan về sự khởi sắc của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
“Cũng giống như giá dầu, các mặt hàng khác trong nhóm năng lượng như khí tự nhiên, khí hóa lỏng và xăng pha chế dự báo sẽ biến động mạnh trong năm nay. Thị trường sẽ chỉ ổn định trở lại khi kinh tế vĩ mô ổn định.”, Giám đốc điều hành về Sản phẩm năng lượng Khu vực châu Á Thái Bình Dương (CME Group) Nicolas Dupuis dự báo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của CME Group cũng khẳng định vai trò của Việt Nam đối với thị trường hàng hóa thế giới. Các chuyên gia cho biết, tính đến hết năm 2022, nước ta vẫn đang là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất, xuất khẩu cao su lớn thứ 3, nhập khẩu ngô lớn thứ 6 và nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 toàn cầu. Bất kỳ thay đổi nào về cung - cầu của Việt Nam cũng có thể tác động đến giá hàng hóa niêm yết trên các Sở Giao dịch thế giới… Kể từ khi được Bộ Công thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc…