41 công đoạn mới làm ra sản phẩm dệt lanh truyền thống
Từ xa xưa, tất cả quần áo của người Mông đều được làm từ vải lanh. Người Mông rất tự hào về trang phục làm bằng tay của mình và những chiếc váy lanh xếp nhiều ly của phụ nữ có vẻ đẹp đặc biệt. Vào dịp tết, lễ hội, chợ phiên, đám cưới, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đây cũng là cơ hội thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ.
Người Mông cũng sử dụng vải lanh trong thờ cúng và tặng vải lanh trong các dịp cưới xin. Cô dâu bắt buộc phải mặc váy vải lanh do mẹ chồng tặng khi về nhà chồng. Con cái cũng thể hiện lòng tôn kính đối với cha mẹ già bằng việc chuẩn bị vải lanh và trang phục may bằng vải lanh sẵn sàng cho lúc họ nằm xuống…
Truyền thống này cho tới nay vẫn được gìn giữ tại xã Lùng Tám. Bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lanh Lùng Tám cho biết: Toàn bộ quy trình dệt vải lanh kéo dài đến 7 tháng (từ lúc gieo trồng cho đến khi dệt xong vải) và rất tốn công lao động. Vào đầu tháng 5 khi gieo ngô, đồng bào dành một mảnh đất màu mỡ để trồng lanh. Hạt lanh thường được cất giữ từ mùa trước, những hạt tốt nhất được đập và tách vỏ. Người ta gieo hạt rất dày, ít khoảng trống, để các cây lanh khi lớn lên sẽ thẳng, gầy và ít nhánh. Những cây thân mảnh sẽ cho sợi lanh chất lượng tốt hơn.
Hai tháng rưỡi sau khi gieo trồng, lanh sẽ cao khoảng 2m và thu hoạch được. Sau khi thu hoạch, đồng bào bỏ lá, cành nhỏ, phơi thân cây từ 10 - 14 ngày cho đến khi thật khô. Sau đó, các cây lanh được chia ra thành từng bó dài. Để làm sợi lanh, đồng bào Mông bẻ ở đoạn giữa thân cây và tước vỏ ra khỏi lõi. Từ mỗi cây lanh tước ra được 8 - 12 sợi lanh, sợi dài nhất khoản 1.6m. Các sợi lanh sẽ được bó thành từng bó và được giã dập để loại bỏ những phần cứng của vỏ cây.
Việc nối các sợi lanh với nhau mất rất nhiều thời gian. Phụ nữ Mông tẽ đôi một đầu sợi lanh khoảng 10cm rồi nối vào đầu một sợi khác bằng cách xoắn chặt lại với nhau, giấu thật khéo chỗ nối. Họ thường cuốn sẵn những cuốn sợi lanh quanh bụng và tay, tận dụng mọi thời gian rỗi để nối lanh. Để các sợi được bền, người ta dùng một khung quay hình bánh xe bằng gỗ có đường kính khoảng 70cm. Bánh xe có thể chuyển động khi đạp các bàn đạp rất thô sơ làm bằng tre…
Cuối cùng, sợi lanh được cuốn vào các thanh tre ngắn và đưa vào căng sợi dọc cho khung dệt. Khung dệt truyền thống của người Mông là loại gỗ đơn, có cấu trúc khá đơn giản, luôn được kéo căng bằng một đai buộc quanh lưng người thợ dệt. Khổ vải dệt khá hẹp, chỉ khoảng 30 - 35 cm. Khi dệt xong, vải phải được giặt đi giặt lại nhiều lần trong vòng 1 tháng cho đến khi trắng như yêu cầu. Cuối cùng, vải lanh sẽ được lăn giữa một khúc gỗ to và một phiến đá lớn để có độ phẳng và mịn…
Bà Vàng Thị Mai cho biết, với 41 công đoạn làm ra sản phẩm, người học dệt vải mất ít nhất 2 năm, dưới sự dìu dắt của nghệ nhân, dạy cách nối từng sợi, cách quay sợi, dệt vải, nhuộm màu để tạo một tấm vải đẹp…
Chinh phục khách du lịch và thị trường
Người Mông ở Lùng Tám sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, trồng ngô trên nương rẫy, chăn nuôi gia cầm gia súc. Thời tiết ở vùng này rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông nên cuộc sống của người dân khá vất vả.
Với sự hỗ trợ của các đối tác MRDP (Chương trình Phát triển nông thôn miền núi), CRAFT LINK và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang (DARD), một dự án đã được triển khai nhằm hỗ trợ tạo ra thu nhập cho người dân. Một nhóm phụ nữ Mông ở xã Lùng Tám được đào tạo khôi phục và phát triển nghề dệt vải lanh truyền thống, kỹ thuật thêu ghép vải, vẽ sáp ong, nhuộm... để đưa vào các sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Thêm vào đó, họ được học cách làm sổ sách, quản lý sản xuất hàng thủ công.
Hiện nay, Hợp tác xã Lanh Lùng Tám có 130 thành viên, với 9 tổ sản xuất. Hợp tác xã khá chủ động trong các khâu phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường. Với lợi thế nằm trên các tuyến du lịch của Hà Giang, đồng bào đã tổ chức điểm trình diễn tại địa phương, thu hút hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày.
Việc có đầu ra cho sản phẩm cũng giúp duy trì nghề dệt truyền thống. Hiện nay, Hợp tác xã đã có 53 người biết nghề, còn lại là lớp trẻ học hỏi để tiếp tục truyền nghề.
Sùng Thị Vân Anh, thành viên Hợp tác xã cho biết: Có khá nhiều người trẻ, cả những em nhỏ cũng thích học dệt. Nhiều em nhỏ ban ngày đi học, chiều chiều ra nhà dệt để nhìn các bà, các mẹ và tập làm. Những người trẻ thường tham gia các công đoạn gieo trồng, dệt vải, còn một số công đoạn như lên khung dệt, nhuộm chàm khá khó, chỉ các bà, các chị dệt lâu năm mới có thể thực hiện.
Thường ngày dệt vải và hướng dẫn cho khách du lịch thăm xã Lùng Tám, trải nghiệm nghề dệt truyền thống, Sùng Thị Vân Anh cho biết, sau dịch Covid-19, hiện nay đang là mùa lễ hội ở Hà Giang nên có nhiều khách đến tham quan. Nhiều khách du lịch thích thú trải nghiệm nghề dệt…
“Từ xa xưa người Mông đã trồng cây lanh, từ đó lấy sợi dệt vải. Tuy nhiên, trước kia phụ nữ Mông dệt để may trang phục cho mình và gia đình, nay phụ nữ Mông đã dệt và làm ra các sản phẩm để bán. Chúng tôi đã kết hợp cái cổ và hiện đại, để đưa sản phẩm dệt đến những người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Hy vọng sau Covid-19, sản phẩm dệt được tiêu thụ nhiều hơn, từ đó nghệ nhân có việc làm, thu nhập của đồng bào được tăng lên, nghề truyền thống được lưu giữ” - bà Vàng Thị Mai chia sẻ.