Ra đi cho ngày trở lại
Ngày 21.9.1954, Bác Hồ viết bức thư (đăng trên Báo Nhân Dân số 229, ngày 22.9.1954) thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc: “Đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Sự động viên kịp thời của Bác đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng ngọn lửa đoàn kết dân tộc, để rồi những con tàu xuất phát từ miền Nam chở hơn hàng trăm nghìn đồng bào, chiến sĩ, học sinh ra miền Bắc với mong muốn: “Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”
Tại Cà Mau, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy xác định rõ “đi, ở đều là nhiệm vụ”. Trong thời gian 200 ngày tập kết, các hoạt động của chính quyền cách mạng rất hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta tiếp quản trên hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt tạo được uy tín của Đảng, chính quyền cách mạng đối với Nhân dân....
Tại Chắc Băng- sông Đốc, từ ngày 22.1 đến ngày 8.2.1955, các tàu viễn dương Kilinki của Ba Lan, Stavropol, Arkhanglesk của Liên Xô đã đưa 53.253 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, học sinh... được lựa chọn đi tập kết ra miền Bắc. Người trên tàu, người đứng hai bên đường lưu luyến giơ hai ngón tay chào nhau, hàm ý sẽ gặp lại sau hai năm xa cách, nào ngờ cuộc chia ly kéo dài tận 21 năm, mãi cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trong buổi tiễn đưa này, mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh đã trao cây vú sữa cho Đại đội trưởng đại đội pháo binh 370 tiểu đoàn 307 Nguyễn Trung Kiên, nhờ chuyển đến Bác Hồ với lời nhắn gửi, mong khi Bác thấy cây vú sữa là thấy đồng bào miền Nam, mẹ hứa sẽ cùng đồng bào tiếp tục đấu tranh đến ngày thống nhất đất nước. Ngày 12.11 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ khánh thành và công bố xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam” tại Ấp 10 xã Trí Phải, huyện Thới Bình.
Tổng kết cuộc chuyển quân lịch sử, trình bày trước Quốc hội Khóa I kỳ họp lần thứ 4, ngày 20.3.1955, thay mặt Chính phủ, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của Nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định. Toàn thể các cán bộ và chiến sĩ đều hăng hái và phấn khởi, họ đã kiên quyết chấp hành lệnh ngừng bắn, tập kết và chuyển quân, đã kiên quyết tạm xa miền Nam yêu quý, để tỏ rõ tinh thần kỷ luật và ý chí yêu chuộng hòa bình của quân và dân ta...".
Ngày mới trên quê hương sông Đốc
Sau khi đã bố trí xong lực lượng tập kết, số đảng viên còn lại trên 10.000 người được tổ chức sắp xếp theo nguyên tắc hoạt động bí mật, được giáo dục về nhân sinh quan cách mạng, về khí tiết của người đảng viên trước kẻ thù, bồi dưỡng 5 bước công tác cách mạng để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Sau này, nhà văn Thép Mới đã ghi trong hồi ký về Tổng Bí thư Lê Duẩn: trước khi chia tay, anh Ba (Lê Duẩn) nắm tay đồng chí Lê Đức Thọ nhắn gửi: “Anh ra thưa với Bác, tất cả đồng bào, đồng chí trong này đều ngày đêm mong Bác sống lâu, khỏe mạnh. Anh cho tôi gửi lời chào Bác, anh Trường Chinh và tất cả các anh ngoài đó”.
Chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm Sông Đốc, hàng ngàn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang theo trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với niềm tin sắt đá: Ngày mai Nam – Bắc sum họp. Ngay sau đó quân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn và Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang Võ Văn Kiệt. Nhân dân Cà Mau một lần nữa trở thành chỗ dựa vững chắc, nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho lực lượng cách mạng trong suốt chặng đường chống Mỹ gian khó và hào hùng.
44 năm qua kể từ ngày Bắc- Nam sum họp một nhà, thị trấn Sông Đốc hôm nay đã trở thành một trong ba cực phát triển kinh tế đô thị động lực của tỉnh Cà Mau và là vị trí cửa ngõ hành lang giao thông thủy quốc gia nối thẳng ra biển Tây với đội tàu khai thác hải sản xa bờ hơn 1000 chiếc và hàng trăm tàu thu mua, hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, mỗi năm xuất bến hàng trăm nghìn tấn cá tôm tỏa đi muôn nơi.
Để xây dựng thị trấn Sông Đốc trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp của địa phương, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư nâng cấp cầu, lộ, hệ thống thoát nước, chợ, trung tâm hành chính.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức thông xe cầu Sông Đốc kết nối thông suốt trục đường ven biển Tây với trục đường Đông - Tây của tỉnh Cà Mau, hình thành nên hệ thống giao thông liên hoàn và kết nối với đường ven biển của các tỉnh lân cận. Sông Đốc nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, từ một cửa sông với vài ba làng chài nhỏ thưa thớt, giờ đã trở thành thị trấn biển sầm uất, với diện tích tự nhiên hơn 2.900 ha, dân số trên 67.000 người. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng kinh tế biển dồi dào, Sông Ðốc đã thu hút hơn 2.101 công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và 7 chi nhánh ngân hàng hoạt động. Hơn 1.140 phương tiện khai thác thuỷ sản trên địa bàn, bình quân sản lượng khoảng 85.500 tấn/năm.
Vào các ngày lễ lớn trong năm, lãnh đạo các cấp trong tỉnh, nguyên lãnh đạo, cán bộ Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam tổ chức họp mặt, ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, vẻ vang của quân, dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc tại điểm tập kết ra Bắc ở Cà Mau. Các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa thường xuyên được tổ chức. Ngày 1.1.2024, UBND tỉnh Cà Mau đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Cụm công trình được xây dựng trên diện tích hơn 10ha tại thị trấn Sông Đốc bao gồm các hạng mục, gồm tượng đài, sàn khu vực tượng đài và tổ chức sự kiện, cầu cạn, đường giao thông đấu nối vào tượng đài, bãi đậu xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật với kinh phí dự kiến khoảng 176 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cụm công trình xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc, sẽ hoàn thành trong tháng 11.2024, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.
70 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau vẫn còn nguyên giá trị lịch sử về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta về chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”