Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có các đặc thù cũng như chức năng mà ít Thủ đô nào trên thế giới có như: Trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục, động lực của vùng… Đồng thời, không có Thủ đô nào trên thế giới mà xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị…
Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật Thủ đô cũng như triển khai thực hiện hiệu quả là những vấn đề mới với Hà Nội. Vì thế, việc tổ chức hội thảo không chỉ cung cấp thêm cho Hà Nội những căn cứ về lý luận khi triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn thêm các căn cứ thực tiễn để triển khai Luật đi vào cuộc sống, bảo đảm yếu tố đặc trưng, đặc thù của Luật.
“Chúng tôi cảm thấy vui mừng, tự tin hơn khi nhận được sự tham gia của các cơ quan, nhà khoa học trung ương và thành phố. Các tham luận và ý kiến tại hội thảo thể hiện mong muốn Luật Thủ đô sớm đi vào thực tiễn, tính khả thi cao, tạo điều kiện như mục tiêu của Luật là tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội chia sẻ.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị UBND, HĐND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của Thành phố. Ông Phong cũng khẳng định TP. Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học vào việc xây dựng các văn bản pháp luật để cụ thể hoá, triển khai thi hành Luật Thủ đô.