Dự lễ có: Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN và PTNT Nguyễn Minh Tiến; Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí…
Đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị, tôn vinh các làng nghề
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, đây là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản..., mang đến tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn Việt Nam.
Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các làng nghề thiếu thốn về vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; Sản phẩm làng nghề chậm được đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro; chưa có nhiều những sản phẩm du lịch giữ chân du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch không cao; Việc ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn chậm, chưa theo kịp xu thế tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay...
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN và PTNT Nguyễn Minh Tiến cho biết: nhằm đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị, tôn vinh các làng nghề, phố nghề truyền thống trên khắp cả nước; khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức từ ngày 3-6.10.2024 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại. Theo đó, với quy mô 100 gian hàng và 1000m2 trưng bày được trang trí đặc biệt, Hội chợ là nơi tập trung các làng nghề, phố nghề, các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ phục vụ nông nghiệp nông thôn.
Hội chợ trưng bày phong phú nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo, nhiều sản phẩm đoạt giải cao trong các hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội và các mặt hàng như nông, lâm, thủy sản, thực phẩm đồ uống, vật tư nông nghiệp, sản phẩm lưu niệm, quà tặng và sản phẩm OCOP của các địa phương trên cả nước.
Ban tổ chức tin tưởng, thông qua nhiều hoạt động phong phú tại hội chợ như: Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm; Diễn đàn "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử"; Trình diễn thao tác tay nghề của các làng nghề tiêu biểu Việt Nam; Tổ chức đoàn nghệ nhân, thợ thủ công thăm quan, giao lưu, học tập; Tôn vinh khen thưởng cá nhân, đơn vị có sản phẩm tiêu biểu đạt giải tại Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2024, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 sẽ đem lại nhiều kết quả, ý nghĩa tốt đẹp góp phần nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường trong và ngoài nước.
Làng nghề đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, đến nay, TP. Hà Nội có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã gồm: 269 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 60 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 5 nghề được công nhận Nghề truyền thống.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết: Ngày nay các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Hiện, TP. Hà Nội có 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó các sản phẩm từ các làng nghề là 745/2711 sản phẩm OCOP (chiếm 27,48%). Nhiều sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 4 sao từ các làng nghề nổi tiếng.
Sau 6 tháng phát động, hội thi đã thu hút được 287 tác phẩm, bộ tác phẩm của 133 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi, gồm 27 nghệ nhân và nghệ nhân ưu tú và 106 thợ giỏi tham gia dự thi đến từ 23 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội. Người lớn tuổi nhất tham gia dự thi là 84 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 20 tuổi. Ban tổ chức, Hội đồng Giám khảo, thành viên Tổ giúp việc Hội thi đã làm việc nghiêm túc, công tâm đến nay đã lựa chọn được 61 tác phẩm để trao giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 30 giải Khuyến khích thuộc 5 nhóm: nhóm mây, tre, lá, cói; nhóm sơn mài, khảm trai ốc, gỗ mỹ nghệ; nhóm gốm sứ và thủy tinh; nhóm dệt và thêu; nhóm điêu khắc đá, kim khí, hoa nghệ thuật, tranh…
Việc phối hợp tổ chức trao giải Hội thi sản phẩm làng nghề TP. Hà Nội năm 2024 trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 do Bộ NN và PTNT là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thành tựu ngành NN và PTNT; đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị, tôn vinh các làng nghề, phố nghề truyền thống trên khắp cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng; khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công, nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam...