Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình doanh nghiệp tháng 5.2023, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, kết quả khảo sát 9.556 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô lên tới 38,5% và giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.
Cũng theo Ban IV, trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8.2021 và 53% tại thời điểm tháng 10.2021), nhưng vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta vẫn ở mức khá thấp. Cụ thể, trong quý I.2023,số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Con số này làm dấy lên lo ngại về tính xác thực.
Trao đổi với báo chí tại tọa đàm "Số liệu thống kê và truyền thông chính sách" sáng 19.6, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, cho biết: Để có được con số thống kê, cơ quan thống kê hoàn toàn dựa vào điều tra về tình hình lao động, việc làm.
Về nguồn thông tin, cuộc điều tra lao động việc làm được thực hiện từ ngày 1 đến 7 hàng tháng, điều tra hơn 19.000 hộ với trung bình mỗi năm hơn 220.000 người. Các cuộc điều tra này được thực hiện gần 20 năm qua, với bảng hỏi khoảng 70 câu, từ thiếu việc làm, thất nghiệp, thu nhập bình quân của lao động... Bảng hỏi này có sự phối hợp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Để đánh giá về số liệu thất nghiệp, ngành Thống kê căn cứ vào khái niệm chung của thế giới. Theo đó, để đánh giá thất nghiệp phải tính người từ 15 tuổi trở lên, đang sẵn sàng làm việc, đang muốn tìm việc trong thời gian tham chiếu (từ ngày 1 – 7 hàng tháng) nhưng không tìm được việc làm, loại trừ những người không muốn làm việc, không sẵn sàng tìm việc.
Tại một số nước, tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cơ bản tương đồng với Thái Lan, Philippines và cao hơn Lào, Campuchia… Điểm chung là các nước này đều có sự hỗ trợ của ILO. “Khi thực hiện các cuộc điều tra hay nhập biến số, chuyên gia của ILO đều ngồi cùng với chúng tôi hàng tháng trời. Họ rất tin tưởng vào số liệu thống kê lao động, việc làm của Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Cũng theo ông Nam, đặc điểm của thị trường lao động việc làm ở Việt Nam là lao động phi chính thức rất lớn, lên tới khoảng 65%, còn lại là khu vực chính thức (khu vực doanh nghiệp). Chính vì thế, những thông tin về tình trạng doanh nghiệp cắt giảm quy mô, cắt giảm lao động, sa thải công nhân là có, song chỉ là một phần nhỏ hơn trong toàn thị trường lao động việc làm.
“Phương pháp thống kê phải nhìn chung, quy luật số lớn chứ không phải theo góc hẹp”, ông Nam nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.
Ngành cũng đãđẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề án về Tư liệu hóa và chuyển đổi số trong ngành; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế như ILO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu.
“Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của chúng tôi luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, bà Hương khẳng định.
Tuy vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thừa nhận, số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế; thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu của một số người dùng tin...
Trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin để số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ hơn, đến gần hơn với đông đảo công chúng.
Tọa đàm "Số liệu thống kê và truyền thông chính sách" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chứcnhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023). Mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn nữa về cách tổng hợp, biên soạn số liệu thống kê tới các nhà báo, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao công tác truyền thông về các chính sách.