Tại chương trình giao lưu “Lịch sử chữ Quốc ngữ và tiếng Việt” chiều 16.3, nhiều ý kiến cho rằng, khi nhắc tới “ngôn ngữ học”, chúng ta dễ hình dung đến những khái niệm hàn lâm như “hình thái học”, “tu từ”, “âm vị”… Có lẽ vì thế mà ngoại trừ giới chuyên môn hoặc những ai có đam mê mãnh liệt, thường người ta sẽ khá ngần ngại khi đọc các bài luận về ngôn ngữ dù nội dung có hay cách mấy. Điều này vô tình trở thành rào cản đối với việc truyền bá cái hay cái đẹp của tiếng Việt.
Ngày nay, nhiều người có điều kiện đi lại, vào Nam, ra Bắc, ra nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau nên cũng may mắn phần nào thấm thía hơn về cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ. Mới thấy, tiếng Việt vô cùng đẹp còn bởi cách dùng từ, bởi sự vận dụng linh hoạt những từ mượn, bởi các câu ca dao tục ngữ… Đó là những tinh hoa đã được ông cha đúc kết lại trong suốt mấy nghìn năm lịch sử.
Chương trình giao lưu “Lịch sử chữ Quốc ngữ và tiếng Việt” được tổ chức nhân dịp ra mắt ấn phẩm “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659” và "Tiếng Việt ân tình". "Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659" của tác giả Đỗ Quang Chính từng được xuất bản tại Việt Nam năm 1972, nay được Thái Hà Books liên kết với NXB Thế giới, mang trở lại với bạn đọc. Tác phẩm cho thấy ngay từ khoảng đầu thế kỷ XVII, để thực hiện công cuộc truyền đạo tại Đại Việt, các giáo sĩ Dòng Tên đã cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự Latinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Tác giả Đỗ Quang Chính đã dựa trên các tài liệu các giáo sĩ nói trên để lại, để nghiên cứu giai đoạn hình thành của chữ quốc ngữ ngày nay.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books cho biết: “Chúng tôi xuất bản và tái bản sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659” chỉ với mục đích duy nhất là giới thiệu một tác phẩm lịch sử, hoàn toàn không thể hiện quan điểm về tôn giáo hay chính trị. Chúng tôi đơn giản tri ân những nhân vật lịch sử đã tạo cho chúng ta chữ viết tuyệt vời để sử dụng ngày hôm nay. Những mốc lịch sử từ thế kỷ XVII chắc chắn sẽ còn được lưu lại mãi mãi”.
Bước sang thế kỷ XXI, chữ Quốc ngữ tiếp tục trở thành công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam. Ngày nay, nhắc đến sự giàu đẹp của tiếng Việt, đa số chúng ta thường chỉ nghĩ đến sáu thanh: sắc, huyền, ngang, hỏi, ngã, nặng - chất liệu khiến “nói nghe như hát”. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, ta mới thấy tiếng Việt còn đẹp vô cùng bởi cách dùng từ, bởi sự vận dụng linh hoạt những từ mượn; bởi các câu tục ngữ, ca dao; bởi tên địa danh, tên món ăn, đồ uống… Đó cũng là lý do quyển sách "Tiếng Việt ân tình" được biên soạn bởi các thành viên trang Tiếng Việt giàu đẹp vừa ra mắt đã nhận nhiều sự yêu quý từ phía độc giả.
Ông Phạm Đắc Bi - Tiến sĩ kỹ thuật phát thanh truyền hình chia sẻ: “Khi tôi học ở Hungary về, có viết một số bài báo kỹ thuật, nhưng ít người hiểu quá, lúc đầu nghĩ rằng do vấn đề kỹ thuật phức tạp. Sau đó mới thấy diễn đạt của mình kém, câu này mắc câu kia, không mạch lạc, logic, nên phải học cách viết rõ ràng, trong sáng. Tôi cũng ham mê tìm hiểu tiếng Việt từ đó”. Ông Phạm Đắc Bi cho rằng, các đơn vị xuất bản cần giới thiệu những di cảo, tài liệu liên quan đến chữ Quốc ngữ, mang đến nhiều thông tin hơn cho độc giả...
Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, ở thời điểm hiện nay, tiếng Việt phát triển nhiều, nhưng có xu hướng nhiều bạn trẻ du nhập từ nước ngoài vào tiếng Việt, trong một câu nói có khi đan xen nhiều từ tiếng Anh.
"Tôi không phản đối du nhập từ nước ngoài mới mà chúng ta chưa có khái niệm, hoặc từ đó ngắn gọn hơn, tiện lợi hơn. Thực tế, cha ông ta đã du nhập nhiều từ mới, theo một thống kê có gần 3.000 từ Pháp vào tiếng Việt, nhưng đã được Việt hóa, chẳng hạn: xà phòng, nhà ga… Vì vậy, hãy sử dụng từ tiếng Việt đang có hoặc Việt hóa nó. Thực tế, cũng có các bạn trẻ đang sáng tạo nhiều từ hay, được chấp nhận, đóng góp vào kho tàng, làm giàu thêm tiếng Việt" - ông Lê Xuân Sơn nói.